xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lập nghiệp nơi quê nhà

Hiếu Nghi

Dù đã gần Tết Nguyên đán nhưng khi dịch bệnh tạm lắng, lao động ở các địa phương, vùng nông thôn đã trở lại các đô thị lớn. Đây là tín hiện vui, tuy nhiên cũng sẽ dần phô bày sự mất cân đối trong bức tranh phát triển kinh tế chung của cả nước.

Sau khoảng hơn 20 năm cấp tập phát triển công nghiệp, chúng ta đã tạo ra các khu công nghiệp (KCN) mạnh, tập trung ở những vùng đô thị lớn như phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng; phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Thành công nhất của mô hình này là giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động đông đảo từ nông thôn, tạo nền tảng để thu hút và phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, sản xuất.

Thế nhưng, các KCN quá thiên lệch về các ngành gia công, thâm dụng lao động như dệt may, điện tử, da giày... nên khó cải biến được trình độ tay nghề của lực lượng lao động hiện hữu. Mặt khác, các vùng nông thôn, những địa phương còn lại dần mất lực lượng lao động để có thể xây dựng nền kinh tế vùng.

Nước chảy chỗ trũng. Lao động cũng như mọi lực lượng kinh tế khác sẽ tập trung vào nơi có nhu cầu và mức thu nhập chấp nhận được. Nên muốn cân đối nguồn lao động thì không thể dùng biện pháp hành chính duy ý chí mà phải dùng đòn bẩy kinh tế.

Những năm qua, rất nhiều địa phương xây dựng được các KCN tập trung, nguồn lao động đã dịch chuyển và có thời điểm các đô thị lớn phải cạnh tranh lao động rất quyết liệt. Một thuận lợi khác là chúng ta có cảng biển nước sâu ở cả 3 miền theo chiều dài đất nước nên việc nhập nguyên liệu, xuất hàng hóa khá thuận lợi. Phát triển công nghiệp, tạo việc làm tại chỗ không phải việc quá sức với các địa phương.

Nhưng chiến lược phát triển ngành công nghiệp thâm dụng lao động chỉ có ý nghĩa trong thời hạn nhất định. Trong giai đoạn tiếp theo là những ưu tiên cho ngành dịch vụ và công nghệ cao vốn phải được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Thế hệ lao động tiếp theo sẽ có tay nghề cao hơn, nhiều lựa chọn hơn và khó chấp nhận bán sức lao động giá rẻ.

Phát triển kinh tế địa phương là việc phải làm và làm cho bằng được nếu không muốn trở thành vùng trũng về kinh tế và văn hóa của quốc gia. Nhiều địa phương đã khá thành công. Đơn cử như Quảng Nam, từ một tỉnh nghèo, đời sống người dân khó khăn, năm 2021 đã có nguồn thu ngân sách hơn 21.100 tỉ đồng và ngành du lịch Quảng Nam là nguồn thu lớn với thu nhập xã hội khoảng 25.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động trong ngành này.

Nhìn vào bức tranh chung, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng ổn định. Nhưng nhìn cụ thể thì hiện có chưa đến 20 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách; các tỉnh, thành còn lại thu không đủ chi, phải trông cậy vào sự tiếp tế của ngân sách trung ương. Tỉ lệ này rất khó chấp nhận trong bối cảnh quốc gia đang cần những nguồn lực mạnh để phát triển trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của thế giới.

Mục tiêu cao nhất của các địa phương là phát triển kinh tế, chăm lo tốt đời sống người dân. Ai cũng muốn có công việc với thu nhập ổn định để lo cho gia đình trên chính quê hương mình. Nên bài toán lao động cũng là bài toán kinh tế mà trách nhiệm thuộc về các nhà lãnh đạo địa phương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo