Lúc hơn 11 giờ ngày 25-10, các tài xế liên quan BOT Biên Hòa đã làm việc xong với các cán bộ của Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (Phòng CSGT) - Công an tỉnh Đồng Nai.
Các tài xế cho biết tinh thần buổi làm việc vui vẻ, thoải mái.
Tuy nhiên, trong số lượng khoảng 15 tài xế có mặt, chỉ có 4 người làm việc trực tiếp với cán bộ CSGT. Các tài xế cho biết lý do là những người khác trực tiếp lái xe, nhưng lại không phải tên chủ xe.
Tại buổi làm việc, các phóng viên không được tiếp cận do lực lượng cảnh vệ chặn lại tại cổng trụ sở.
Trạm BOT Biên Hòa vẫn đang ngưng hoạt động
4 biên bản làm việc của các tài xế cung cấp cho thấy nội dung làm việc là xác minh, làm rõ hành vi của người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua trạm thu phí đường bộ Quốc lộ 1 và đường tránh TP Biên Hòa.
Qua đó, nội dung buổi làm việc có kết luận: Các tài xế điều khiển phương tiện qua trạm thu phí sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp không vi phạm các quy định của pháp luật, không bị xử lý.
Tuy nhiên, phần sau của biên bản có nội dung khá dài tuyên truyền về BOT Biên Hòa, việc dự án này thực hiện đúng theo chủ trương.
Các tài xế cho hay tại buổi làm việc, họ có lập luận việc trạm đặt bất hợp lý và các bất cập khác ảnh hưởng quyền lợi người dân dẫn đến bức xúc và phản đối, tuy nhiên các cán bộ không giải thích về vấn đề này.
Tài xế cũng cho rằng việc trạm cho các tài xế sử dụng tiền lẻ được qua trạm "là không theo một nguyên tắc nào" nên họ không thể qua vì thấy không hợp lý, hợp lệ và không có chứng cứ, chứng từ để giải quyết các vấn đề thuế, phí cũng như hoạt động của doanh nghiệp và các vấn đề liên quan.
Phần cuối biên bản, CSGT giải thích tuyên truyền với tài xế về một số quy định đối với hành vi cố tình dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông có thể bị phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng; không chấp hành hiệu lệnh có thể bị phạt đến 2.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Trường hợp nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự phạt tù từ 3-10 năm.
Sau buổi làm việc, một tài xế nói: "Tôi vẫn phản đối trạm này đặt sai vị trí ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nói chung, chúng tôi yêu cầu dời trạm về vị trí hợp lý, còn việc dừng xe tại trạm lúc đó (ngày 5-10) là vì trạm cho chúng tôi qua không đúng nguyên tắc…".
Trao đổi sau buổi làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết buổi làm việc diễn ra theo tinh thần đã thông báo, cơ bản là để tuyên truyền với các tài xế.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng cùng ngày, gần 20 tài xế liên quan BOT Biên Hòa đã đến Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai để làm việc theo giấy mời.
Bình luận (0)