"Ở đây làm từ sáng đến chiều tối nhưng cũng không khổ bằng cấp phường đâu anh" - một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân (TP HCM) từ chối khi chúng tôi muốn anh nói rõ về áp lực công việc của mình
Theo vị cán bộ trên, dù hồ sơ nhà đất ở quận Bình Tân quá tải hơn 10 năm nay nhưng so với những gì các cán bộ công chức, viên chức cấp phường đang đối mặt thì việc quá tải ở đơn vị anh không thấm vào đâu. "Muốn trải nghiệm, các anh cứ đến UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân - nơi có dân số lên đến 130.000 người - sẽ rõ. Ở đó, mọi người đến công sở từ tờ mờ sáng" - vị cán bộ cho biết .
Ngủ trưa là điều xa xỉ
Đúng như những gì vị cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân chia sẻ, mới 7 giờ ngày 12-8, cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A gần như đã đông đủ. Lúc này, ông Trần Hoàng Trọng, cán bộ bộ phận một cửa, vừa bước vào nơi làm việc đã nhanh tay khởi động máy tính, bày hồ sơ ra đọc, vừa tranh thủ ăn bánh mì. Ấy vậy mà khi chúng tôi đưa máy ảnh lên định ghi lại nỗi vất vả ấy, ông Trọng liền xua tay và nói ở phường này ai cũng tranh thủ vừa ăn vừa coi lại hồ sơ trước khi đến giờ làm việc. "Thấy dân chờ lâu, mình áy náy nên chịu cực thêm chút cũng quen" - ông Trọng chia sẻ.
UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM mỗi năm giải quyết đến 151.000 hồ sơ nên cán bộ công chức, viên chức luôn quá tải. Ảnh: LÊ PHONG
Dù cố gắng tranh thủ giải quyết sớm nhưng đến 8 giờ 30 phút, bàn của ông Trọng đã ngập hồ sơ cần giải quyết. Ly cà phê mua từ sáng đã tan hết đá nhưng ông Trọng vẫn chưa uống ngụm nào. Theo quan sát, trong vòng chưa đầy 2 giờ, ông Trọng đã tiếp nhận và giải quyết gần 100 hồ sơ. "Trưa nay lại tiếp tục chinh chiến tại chỗ nữa rồi" - ông Trọng nói và cho hay từ lâu ông đã quen với việc này.
Quá tải công việc không kém ông Trọng là ông Trương Công Dũng, công chức tư pháp - hộ tịch của phường. Để nói được vài câu với ông Công Dũng, chúng tôi phải chờ đợi gần 2 giờ, bởi suốt buổi sáng ông Công Dũng chỉ có thể đứng nhận hồ sơ và di chuyển vào bên trong trình ký. Ít nhất 2 lần, ông Công Dũng đưa mắt nhìn chúng tôi tỏ ý mong thông cảm vì công việc hôm nay quá nhiều. Đến trưa, ông Công Dũng tiếp tục mong chúng tôi thông cảm vì không thể trao đổi lâu được, ông nói: "Hôm nay, tôi phải xuống 3 khu phố để gặp trực tiếp người hưởng chính sách nhờ lấy chữ ký để hỗ trợ tiền. Phần lớn là người lớn tuổi nên không thể đi lên phường được. Mấy anh thông cảm nhé". Theo ông Công Dũng, trung bình mỗi ngày ông phải giải quyết từ 200-300 lượt hồ sơ gồm công chứng, khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, điều tra thông tin… nên việc nghỉ trưa đối với ông là điều xa xỉ.
12 giờ - giờ nghỉ trưa - nhưng hàng loạt ghế bố, giường xếp của các cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A vẫn chưa được mở ra. "Trưa nay, anh em tụi tôi tiếp tục làm buổi đứng. Vì đang làm báo cáo, khảo sát hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19" - ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, nói. Bản thân ông cũng phải ngủ lại phòng làm việc và theo quan sát của chúng tôi, chiếc ghế bố chất đầy giấy tờ. Ông Hoàng Dũng cho hay tranh thủ vừa nằm nghỉ vừa đọc báo cáo đầu giờ chiều giải quyết việc làm mới kịp thời gian.
Tương tự, hơn 9 giờ ngày 12-8, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), dày đặc người chờ đến lượt thực hiện các thủ tục hành chính, mọi người đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, im ắng chờ gọi tên. Khu vực này mới được cơi nới, mở rộng, đặt thêm cho đủ 40 ghế để phục vụ người dân, nhất là những ngày đầu tuần. Vì phòng chống dịch Covid-19 nên cả 6 quầy tiếp dân đã được nới rộng và thông thoáng hơn.
Sau 30 phút chờ đến lượt chứng thực sao y hộ khẩu cho con trai nhập học, ông Nguyễn Thanh Dũng nói nhìn cán bộ làm việc không ngơi tay mà thấy thương! Lúc này, trên quầy giải quyết hồ sơ, cán bộ liên tục lật giở từng trang giấy, kiểm tra nhanh rồi đóng mộc, tay vừa đóng mộc vừa tranh thủ gọi tên người tiếp theo. Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), khi cán bộ ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ gần như không có thời gian uống nước hay dừng tay.
Những con số biết nói
Ông Lê Đình Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - cho hay là xã nông thôn mới, tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện toàn xã có 72.500 nhân khẩu nhưng chỉ có 22 cán bộ công chức. "Hiện nay nhờ lực lượng cán bộ không chuyên trách với 26 người xã nên vẫn bảo đảm giải quyết hồ sơ cho người dân đúng tiến độ. Sắp tới, nếu giảm cán bộ không chuyên trách chỉ còn 14 người theo Nghị định 34 thì áp lực công việc sẽ tăng cao" - ông Lê Đình Thịnh lo lắng. Theo ông, hiện để giải quyết đúng tiến độ cho người dân, nhiều cán bộ phụ trách địa chính phải ở lại cơ quan đến 19 giờ. "Thứ bảy vẫn phải lên cơ quan đi kiểm tra thực tế vì chỉ cần lơ đi 1 - 2 ngày là có thể mọc lên 1 căn nhà tạm bợ, không phép" - ông Thịnh chia sẻ.
Theo ông Trần Hoàng Dũng, có những ngày ông ký hồ sơ nhiều đến mức phải thay một cây viết bi. Bởi hiện phường chỉ có một chủ tịch và phó chủ tịch. Vì vậy, nếu có cuộc họp tại UBND quận là gần như người còn lại phải bao quát, giải quyết toàn bộ công việc. "64 cán bộ của phường mỗi năm giải quyết trên 151.000 bộ hồ sơ. Riêng chuyện đăng ký giấy khai sinh, kết hôn, báo tử, số lượng lên đến gần 2.000 trường hợp/năm" - ông Trần Hoàng Dũng thông tin. Theo ông, dù việc nhiều nhưng các cán bộ phường này đều phải giải quyết đúng hẹn, bởi chậm trễ rất dễ bị phê bình, khiển trách. "Minh chứng là gần như tất cả các ngày làm việc, phòng tài chính - kế toán, phòng lao động - thương binh và xã hội luôn sáng đèn đến tận 20-21 giờ" - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A chia sẻ.
Ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho hay công việc quá tải là điều khó tránh khỏi vì toàn xã có đến 16 ấp với khoảng 132.000 nhân khẩu. "Với 78 cán bộ, trong đó 24 cán bộ công chức, còn lại là cán bộ không chuyên trách và hợp đồng thì mỗi cán bộ đang phục vụ khoảng 5.500 người dân, gấp 36 lần so với cả nước" - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B tính toán. Do đó, để giải quyết nhanh, đáp ứng nhu cầu của người dân, xã phải cử một lãnh đạo túc trực tại cơ quan chỉ ngồi ký xác nhận các hồ sơ sao y - chứng thực và các thủ tục khác. "Có những lúc công việc nhiều, chúng tôi phải ôm hồ sơ về nhà làm. Riêng phó chủ tịch phụ trách đô thị hầu như thứ bảy và chủ nhật đều đến cơ quan làm việc, đi thực tế chứ không dám ngồi ở nhà" - ông Phong cho biết.
Phân tích thêm, ông Phong nói một công chức địa chính có cả chục đầu việc, họ không chỉ giải quyết hồ sơ hành chính, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, lĩnh vực môi trường, kiểm tra thực tế đất đai xây dựng mà còn phải kiểm tra đối chiếu hồ sơ, giấy phép xây dựng của huyện chuyển về. Đó là chưa kể mỗi tháng phải hỗ trợ tòa án, thi hành án xác minh nguồn gốc đất đai, xây dựng để giải quyết tranh chấp do dân khiếu nại ra tòa.
Kỳ tới: Hệ lụy không nhỏ
Một người nghỉ, hàng chục đầu việc chậm trễ
Cầm trên tay đơn xin nghỉ việc từ cuối tháng 7-2020 của một công chức địa chính, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), buồn bã cho hay vì áp lực công việc quá lớn, nhiều người chịu không nổi đã xin nghỉ việc. "Như em này, tôi phải động viên, nhờ ở lại hỗ trợ, giúp thêm một thời gian vì nếu nghỉ ngang thì công việc dồn ứ. Vì vậy, một người nghỉ kéo theo hàng chục đầu việc chậm trễ" - ông Phong phân tích.
Mỗi ngày, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng nhập hàng ngàn hồ sơ vào máy tính và kiểm tra biên lai nên phải hơn 20 giờ mới có thể về nhà. Ảnh: LÊ PHONG
Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng, công chức tài chính - kế toán UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), thì nửa đùa nửa thật: "Tất cả các ngày trong tuần đều chúi đầu vào hồ sơ từ sáng đến tối. Đây là lý do mà nhiều người thắc mắc tôi cũng xinh gái nhưng 38 tuổi vẫn lẻ bóng đó".
Bình luận (0)