Nhóm chúng tôi toàn phụ nữ đã ở độ tuổi mà không ít người lo đôi chân mình không vượt nổi đường xa bình thường chứ chưa dám nói vượt chặng đường rừng gần 5 km.
Vượt gần 5 km đường rừng nhưng mọi người quên cả thời gian
Cảm nhận bằng đủ giác quan
Đứng trước con đường đất đỏ có tấm bảng "Trảng B" để chuẩn bị đưa chúng tôi khởi hành, anh Nguyễn Hồng Công - hướng dẫn viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, định nói về quãng đường xuyên rừng sẽ khó khăn nhưng những vị khách cứ muốn trải nghiệm nên ngăn lại: "Cứ đi, đến đâu thì đến".
Anh Công được xua tan lo lắng khi đi cùng những người khách nữ lớn tuổi. Dù vậy, trên đường đi, anh luôn chú ý chăm sóc mọi người, pha trò trong từng phần thuyết minh để khách phấn chấn mà băng rừng, vượt suối.
Với sự bảo đảm rừng, suối ở trảng này không có con vắt nào, mọi người đi với tâm thế thoải mái tận hưởng không gian bao la và không khí trong lành. Anh Công nói rừng Mã Đà mỗi mùa đẹp theo một cách. Đẹp nhất là khoảng tháng 3 đến tháng 5, vì lúc này trong rừng rất nhiều bướm và đủ sắc màu. Còn đi xuyên sâu vào rừng thú vị nhất là tháng 10, tháng 11 khi mưa đã vào cuối mùa, nước suối trong rừng cao vừa phải, dễ lội.
Suối trong rừng Mã Đà mát lạnh và rất sạch
Mới độ 100 bước chân, chúng tôi đã phải dừng lại ngắm bức tranh đầu tiên của rừng. Mặt trời xuyên ánh sáng lung linh qua những tán lá rừng xanh mướt để đổ đầy hoa nắng xuống con đường đất đỏ. Điện thoại, máy ảnh làm việc liên tục khi cứ đi 100 - 200 m là cảnh rừng đẹp không cưỡng được. Mỗi cổ thụ tạo dáng khác nhau. Rễ cổ thụ hay dây leo rừng quấn nhau đủ tư thế, cứ như đang chơi đùa giữa thiên nhiên. Các loại hoa dại hay cây dược liệu trong rừng cũng chen hứng được nắng, được sương đủ cho sự sinh trưởng xanh tốt, ra hoa thật đẹp, thêm sắc màu cho rừng xanh.
Anh Công bảo chúng tôi cứ thong thả đi và cảm nhận rừng bằng đủ các giác quan. Anh thuyết minh tên từng loại cổ thụ, dây rừng, dược liệu trong rừng. Chúng tôi được dịp biết khá nhiều về đặc tính, công dụng của từng loại cây. Anh hái cho chúng tôi ăn thử lá một số cây như xá xị, cát lồi hay thử miếng nhỏ xíu thân hoàng đằng. Nếm trực tiếp hương vị tự nhiên từ cây trong rừng, thật thú vị.
Đi tới một khúc quanh, trời chuyển gió lay động mạnh những tán lá rừng, làm chúng nghiêng mình phát thành âm thanh xào xạc. Những chú chim rừng, ve rừng dường như thích thú thi nhau hót, kêu vang rền. Ở phố thị có thể chỉ nghe ve kêu trên những hàng cây đường phố vào mùa hè. Ở rừng này, đến tận tháng 10 ve vẫn "hát". Chúng tôi dừng lại, thật im lặng để lắng nghe khúc nhạc rừng nhiều thanh âm hòa điệu ấy đến tận 10 phút, ngấm sự sảng khoái vào người.
Rừng Mã Đà với nhiều cung bậc cảm xúc sinh động
Tiếng suối róc rách rõ dần
Đi được 1 giờ thì qua đoạn đường rừng rộng, chúng tôi bắt đầu vào đoạn rừng rậm hơn, chỉ có lối mòn.
Anh Công cẩn thận dặn mọi người phải bám nhau, khi muốn dừng lại đâu chụp hình hay vì chuyện cá nhân cần giải quyết thì phải báo cho người dẫn đường dừng lại, không nên để bị rớt xa phía sau, có thể bị lạc đường trong rừng. Lối rừng hẹp, có đoạn phải đi hàng một. Lắm lần phải chui qua cây rừng, dây rừng chắn ngang nhưng hóa hay, vì mỗi chỗ tưởng chắn ngang lại chính là một khung hình đẹp.
Vượt lối mòn hơn 1 km, chúng tôi nghe tiếng suối róc rách rõ dần. Thật hay, dòng suối hiện ra trong veo, mát mắt. Suối bị đục khi chúng tôi lội qua. Đất dưới lòng suối bị khuấy lên, song chỉ có cảm giác mát lạnh dễ chịu.
Lúc khởi hành, trời nắng đẹp, chắc tại những cơn gió mang mây đen đến làm mưa đổ xuống khi chúng tôi đang lội suối. Mọi người cùng cười: "Thế là toàn thân cảm nhận đủ nắng rừng, gió rừng, thanh âm rừng, suối trong rừng, rồi cả đến mưa rừng chỉ trong một buổi sáng đi xuyên trảng rừng Mã Đà".
Chúng tôi sung sướng la lớn, hát vang trong rừng và thấy yêu rừng làm sao, chợt nghĩ đến nhạc sĩ Hoàng Việt. Chắc nhạc sĩ cũng cảm nhận về những cánh rừng Đông Nam Bộ giống chúng tôi bây giờ, nên từng lời trong bài "Nhạc rừng" của ông tả thật gần gũi với từng khung cảnh rừng chúng tôi trải nghiệm hôm nay.
Một số loại thân dây trong rừng Mã Đà chặt ra có thể lấy nước uống
Nhiều động thực vật quý hiếm
Mất 3 giờ lúc nào không hay. Chúng tôi ra bìa rừng thì trời vừa tạnh mưa. Lúc này, anh Công mới cho biết chúng tôi đã vượt gần 5 km. Sức khỏe mọi người vẫn tốt.
Thu hoạch của chúng tôi không chỉ có sự sung sướng vì được cảm nhận thiên nhiên, cả trăm bức ảnh không dễ ai có mà còn là những kiến thức về động thực vật trong rừng và bài học về kỹ năng sinh tồn trong rừng. Thật bổ ích!
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới, được xác định trong "Global 200 Ecoregions". Khu bảo tồn này nằm trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai. Trảng B mà chúng tôi trải nghiệm xuyên rừng thuộc các xã Mã Đà, Hiếu Liêm của huyện Vĩnh Cửu.
Theo anh Công, khu bảo tồn này được các nhà khoa học xác định có trên 1.400 loài thực vật, trong đó có các loài cây đặc hữu của Đồng Nai và trên 100 loài cây dược liệu quý hiếm; về động vật hoang dã có trên 1.700 loài, trong đó có loài thú lớn, chim quý hiếm của thế giới. Ngoài giữ gìn sự sống, sinh trưởng của các loài động thực vật quý hiếm thì hệ sinh thái rừng ở đây là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ, chống xói mòn, giữ nước cho lòng hồ Trị An, giữ sạch nguồn nước sông Đồng Nai.
Chúng tôi bị thu hút bởi những câu chuyện anh Công kể về "tính tình" của nhiều loài thú rừng đang sống trong khu bảo tồn. Voi thông minh và dường như có tính "thù dai, nhớ lâu" nhưng luôn thể hiện sự thương cảm với những đồng loại đang hấp hối hoặc đã chết. Người đi trong rừng hiếm khi thấy bộ xương voi, bởi khi voi chết thì đồng loại lấy bùn đất đắp mộ và hằng năm kéo đàn đến viếng mộ để tưởng nhớ đồng loại đã chết.
Voọc chà vá chân nâu sống trên cây cao, ăn lá những loài cây bản địa. Mỗi tuần, voọc mới xuống đất tắm một lần. Khi gặp người, voọc lấy lá cây che mặt vì nghĩ rằng sẽ không ai thấy, nên người ta còn gọi nó là con giấu đầu hở đuôi. Loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm này được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới.
Hồng hoàng là loài chim quý, có tính chung thủy như chim yến. Nguy cơ bị tuyệt chủng của hồng hoàng là do mỏ sừng của chúng có giá trị cao để chế tác thành trang sức. Nguyên nhân tuyệt chủng nữa là do khi sinh nở, hồng hoàng mái chui vào bọng cây nằm im, con trống lấy phân động vật trong rừng trét kín tổ đẻ đó, nếu con trống vì lý do nào đó không về thì con mái chết luôn trong bọng cây.
Dừng chân nghe gió, chim muông và ve hòa nhạc trong rừng
Thêm những kỹ năng sinh tồn
Anh Công hướng dẫn chúng tôi cách tự bảo vệ khi lỡ gặp thú dữ trong rừng. Chẳng hạn, khi thình lình gặp một đàn voi thì nằm xuống đất giả chết. Nếu gặp voi cách khoảng 100 m thì phải chạy nhưng không chạy thẳng mà zigzag vì thân hình voi nặng có thể không theo kịp. Khi tình cờ gặp một con bò tót con thì có thể đến gần nhưng nếu có con bố, con mẹ thì phải tránh xa bằng cách leo lên cây cao hoặc chui vào gốc cây, hốc đá để trốn.
Anh Công cũng giải thích về các loại cây có tính dược liệu. Cây hoàng đằng thoạt nhìn lá giống lá lốt, rễ và thân già màu vàng được sử dụng làm vị thuốc kháng viêm đường ruột. Cây cù đèn Đông Nam Bộ dùng phần củ có tác dụng thông kinh lạc, thư gân cốt; lá có tính kháng sinh, sát trùng, dùng đắp chữa rắn rết cắn, vết thương. Cây chiếc tam lang cùng họ với cây lộc vừng, ra hoa vào mùa hè rất đẹp. Cây trung quân tốt cho phụ nữ sau sinh; lá cây trung quân được một số đồng bào dân tộc sử dụng lợp mái chống mưa nắng, chống cháy.
Những cây cát lồi trong Trảng B đang ra hoa khá đẹp. Người dân thường hái lá cát lồi như một loại rau rừng cho những món cuốn bánh tráng, bánh xèo, ăn ngon mà cũng bổ sung vị thuốc cho bệnh thấp khớp theo kinh nghiệm dân gian.
Anh Công len vào đám cây rừng, chặt mang ra cho chúng tôi một nhánh cây rồi rỏ nước cho mọi người uống thử. Nước thật mát. Anh giải thích trong rừng có một số loại cây, dây rừng khi chặt ra mà nước trong đó không có mùi, không có mủ, màu nước trong là uống được.
Trên đường đi, anh Công hướng dẫn thêm cho chúng tôi những kỹ năng sinh tồn nếu bị lạc trong rừng và cách tìm hướng ra khỏi rừng. Một buổi dã ngoại trong rừng với quá nhiều trải nghiệm, cảm xúc, kiến thức; một sự hưởng thụ quý giá mà thiên nhiên mang lại.
Thật trân trọng những người đã và đang góp sức giữ sự trường tồn của rừng, truyền cảm hứng yêu rừng cho cộng đồng như anh Nguyễn Hồng Công.
Bình luận (0)