xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mâm cúng ngày Xuân

Huỳnh Quốc Hải

Mỗi dịp Xuân về, được ngồi quanh mâm cúng để bùi ngùi nhớ thương ông bà, tổ tiên hẳn đã là phần thưởng mà đời sống ban tặng chúng ta

Năm đó, thấy tôi về quê ăn Tết, bà nội cười hiền. Ở làng Kim Bồng nổi danh khoai lang mắm mại bên dòng sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam này, 30 Tết quả là một ngày linh thiêng đến lạ.

Lũ sớm nên bắp già đúng Tết, nội bán lấy tiền mua thịt heo nhưng vẫn cất lại 3 trái dày hạt nhất. Phụ giúp bà bày mâm cúng tất niên là dịp hiếm. Tôi lăng xăng ra vườn ngắt mấy nhành bông trang, bông phượng cắm bình cúng; cắt tàu lá chuối lót cái nong rồi quạt bếp than nướng bắp. Tưởng bà nướng bắp cho tôi ăn, nào ngờ là để dâng cúng.

Nội bảo: "Có chi cúng nấy nghe con, đừng quá tay mà túng thiếu". Thì đó, trên cái nong bày trước sân ngôi nhà 5 gian do ông cố dựng, tôi dường như không đếm hết những gì bà có. Bên nải chuối xanh, trái bòng, trái dừa non, con gà, rượu trầu têm vôi, giấy tiền vàng bạc, tôi còn thấy cả ổ bánh tổ rải mè vàng mọng, cái bánh tráng khoai thơm lạ, đòn bánh lăn, đĩa bánh in đậu xanh, bắp nướng… và cả mấy củ khoai lang luộc còn bốc khói.

Ông nội mất sớm nên bà đảm nhận phần cúng tất niên thay mấy bác trai. Tất niên là cúng tất, từ nhà cửa, ông bà đến đất đai, giếng nước, cổng ngõ… Vái lạy xong, bà mang giấy tiền dán lên cổng, chum, giếng… rồi dặn phải chọn ngày tốt mới đốt để múc nước đầu năm.

Mâm cúng ngày Xuân - Ảnh 1.

Ảnh: AQ

Bà nội còn dặn cúng đất rất quan trọng, để tạ ơn các vị thần cai quản đất đai, các vong linh phiêu dạt, các chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh, thiên tai và cả nhiều vị thần, cô hồn người Chăm. Bàn cúng 3 lớp đặt ngoài sân, xoay theo hướng ngược lại với bàn thờ trong nhà. Mỗi bàn đều có hương đèn, hoa quả, cau trầu, rượu, giấy vàng bạc. Bàn thượng đặt bộ áo thổ thần, con gà, xôi, chè. Bàn trung đặt áo bà, áo ngũ phương; lễ vật có miếng thịt heo luộc, xôi, bộ tam sên gồm cua, trứng luộc, miếng thịt tợ và mâm cúng cơm, đặc biệt là đĩa rau luộc, chén mắm cá và cá, bắp nướng. Bàn hạ đặt áo giấy, cháo, gạo, muối, bánh tráng, bột nổ đủ màu, khoai, đậu nấu và một bè chuối để bỏ đồ cúng mỗi thứ một tí, sau khi cúng xong đem ra treo lên hàng rào.

Giờ đây, nội đã đi xa nhưng tôi biết bà vẫn múc nước đầy chum mỗi mùa Tết đến, như cách mà bà múc cho tôi những bát cơm nấu bằng nồi đồng thơm mùi lá dứa...

***

Rứa là Tết lại về. Tôi ở phố, cách quê con sông nên lòng cứ mơ tới một nhịp cầu. Bên kia lãng đãng khói đồng với nhịp trống bài chòi quanh cội cây già, bên này khói nhang quyện vào những cung đường cong và vài con hẻm nhỏ trong hội hè phố xá.

Đang ở buổi kim tiền, lễ cúng đã trở nên đại trà, mâm cỗ bày bán sẵn, nét riêng cũng dần phai nhạt nhưng ở đâu chẳng thế, mâm cúng ngày Xuân nhất thiết phải có hoa quả sắc tươi. Và ở đây, sản vật xứ Quảng là lễ vật hàng đầu. Bánh tổ, bánh in đậu xanh, trái đu đủ, trái dừa non, nải chuối xanh hay đòn bánh tét luôn có trên mâm cúng mỗi nhà. Phải chăng bánh tổ là để tưởng về gốc gác còn nải chuối xanh là để sinh sôi nảy nở, ước nguyện viên thành?

Khởi sự cho Tết có lẽ là ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời báo cáo diễn biến suốt năm trong gia đình thân chủ và nhờ thiên triều phù hộ cuộc sống tươi vui, bớt chút ưu phiền. Lễ cúng thường có con gà, miếng thịt tợ, đĩa xôi, ít chén chè, đĩa trầu cau, trà rượu, nhang đèn, vàng mã... Những nhà buôn bán, làm nghề ở phố thì mua thêm con cá chép còn sống về cúng rồi sau khi lễ tất mang thả sông làm phép phóng sinh, mong sao bao xúi quẩy, tai ương theo đó mà đi, nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm mới.

Dẫu mục tiêu chung là cúng tạ cầu an, năm mới phước lành nên lòng thành là chính nhưng cộng đồng người Hoa ở phố cổ Hội An cũng còn giữ vài nét riêng. Ngoài vật thức chung, mâm cúng còn có bún xào, mì sợi - tượng trưng cho sự trường thọ; cá hấp (ngư) - đọc đồng âm với chữ "dư" như sự dư thừa, giàu có; xúp tóc tiên - đọc đồng âm với chữ phát tài. Đáng lưu ý là những tờ Xuân liên dán trước cửa hay giấy điều viết chữ Xuân, phước dán ngược trên nhiều thứ trong nhà vì chữ ngược là đảo, đọc đồng âm với chữ đáo, hướng tới ý Xuân đến, phước đến…

Giờ đây, những ngày hội Xuân, bà con cộng đồng người Hoa ở các hội quán tụ hội về phố. Phẩm vật cúng vẫn vậy nhưng tiệc tùng thì thuê các nhà hàng người gốc Hoa ở Đà Nẵng vào nấu.

Ai cũng có ông bà, tổ tiên và mỗi dịp Xuân về, được ngồi quanh mâm cúng để bùi ngùi nhớ thương hẳn đã là phần thưởng mà đời sống ban tặng cho mỗi chúng ta…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo