Tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức đang được lấy ý kiến, Chính phủ đề xuất phương án sau khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-1-2020) sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).
Dẹp tình trạng "giữ ghế"
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Nội vụ đưa ra thêm 1 phương án khác là giữ quy định như hiện hành nhưng bổ sung quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới, viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng cần thiết bỏ chế độ "viên chức suốt đời" ở một số bộ phận để "lọc" những người không đủ năng lực ra khỏi cơ quan, tổ chức.
"Nhiều người được ký hợp đồng không xác định thời hạn nên không lo lắng bị đuổi việc. Kéo theo đó là kết quả, hiệu suất công việc không cao, thậm chí năng lực chuyên môn không đáp ứng được" - ông Thưởng nhận xét.
Nhân viên BHXH TP HCM trong giờ làm việc Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, việc ký hợp đồng có thời hạn đối với viên chức cần xem xét cụ thể trên góc độ lĩnh vực, ngành nghề. Bởi lẽ, một số công việc đòi hỏi chuyên môn cao, chuyên sâu thì cần tạo sự yên tâm để viên chức công tác. Theo ông Lê Quang Thưởng, không chỉ nghiên cứu bỏ chế độ "viên chức suốt đời" mà công chức cũng cần xem xét và triển khai sớm bởi số lượng công chức hiện hay rất lớn, là gánh nặng cho ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Nguyễn Khắc Định cho rằng bỏ chế độ "viên chức suốt đời" sẽ khắc phục được những hạn chế trong quản lý viên chức, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Quy định này cũng tạo cú hích trong môi trường làm việc để viên chức sẽ phải phấn đấu đáp ứng yêu cầu công việc.
Dư địa để thu hút người tài
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Phạm Văn Hòa tán thành đề xuất của ban soạn thảo và cho rằng cần mạnh dạn thực hiện, thay đổi. "Vì "viên chức suốt đời" mà hiện nay có nhiều trường hợp muốn tinh giản biên chế cũng không được. Việc tinh giản phải căn cứ vào tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm hay bố trí công việc không phù hợp..." - đại biểu (ĐB) QH Hòa phân tích.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, "viên chức suốt đời" hay không thì đều làm việc cho nhà nước, phục vụ nhân dân; khi ký hợp đồng lao động đều được đóng BHXH, hưởng các chế độ khác theo quy định. Viên chức cần yên tâm bởi không phải khi ký hợp đồng có thời hạn 2-3 năm là cơ quan sử dụng muốn đuổi ai thì đuổi. Chấm dứt hợp đồng phải tuân thủ theo quy định, phải thương thảo giữa hai bên. Nếu viên chức làm việc tốt thì thương thảo ký hợp đồng tiếp, còn không đáp ứng được yêu cầu thì căn cứ vào thực tế cho nghỉ việc để tuyển dụng người có chất lượng hơn. Đây là cơ chế sòng phẳng để tuyển dụng và sử dụng cán bộ có chất lượng.
Nguyên một lãnh đạo cấp bộ từng công tác trong ngành nội vụ nhấn mạnh loại bỏ tư tưởng "viên chức suốt đời" phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới. Từng vị trí công việc, từng cá nhân phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan, nếu không hoàn thành thì phải nhường chỗ cho người khác. Đây cũng là một phương án tạo dư địa để thu hút người tài, không thể để những cá nhân yếu kém "án ngữ" và "giữ ghế" trong bộ máy.
Là người từ cơ quan thẩm tra dự án luật này, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng phương án bỏ chế độ "viên chức suốt đời" sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật có hiệu lực.
Trước lo ngại này, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng ít nhiều sẽ vấp phải những vấn đề nhưng không vì lý do đó mà chần chừ. Theo ông, những lợi ích từ việc bỏ chế độ "viên chức suốt đời" mang lại sẽ lấp đầy những khoảng trống đó. "Chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ, người lao động có chuyên môn tốt, có tinh thần vươn lên trong môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao" - ông nói.
Theo ông Hòa, những người đã ký hợp đồng trước thời điểm luật có hiệu lực thì buộc phải thực hiện theo quy định, vì đó là vấn đề của chính sách cũ. Cơ quan soạn thảo cũng đã nhìn ra sự không thống nhất đó nhưng chúng ta phải nhất quán quan điểm là chấp nhận để thực hiện cái mới, tiến tới cân nhắc bỏ "biên chế suốt đời".
Ông Hòa cho rằng giữa viên chức được ký vô thời hạn và viên chức ký hợp đồng có thời hạn, các cơ quan có thể xem xét khắc phục bằng các chế độ đãi ngộ khác phù hợp hơn cho những viên chức ký hợp đồng có thời hạn. Đây vừa chính sách cho viên chức yên tâm công tác vừa là động lực để họ hoàn thành tốt công việc.
Đãi ngộ hợp lý
Dự thảo Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức cũng sửa đổi, bổ sung điều 6 quy định chính sách đối với người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng.
Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể cho phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với viên chức vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ chế và tiền lương. Việc đãi ngộ nhân tài còn mang tính bình quân, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho sự sáng tạo, chưa thực sự thỏa đáng. Dự thảo luật lần này kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập trên.
Bình luận (0)