Chẳng hạn như người nuôi tôm ở các tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về diện tích lẫn sản lượng tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang…, từ khi tham gia chuỗi liên kết, dù không còn phải tự "bơi" giữa cơ chế thị trường, song họ vẫn chưa trọn niềm vui làm giàu bền vững. Trái lại, họ luôn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi từ đầu vào (con giống, vật tư) lẫn đầu ra (sản phẩm). Thực tế, phải mất 3-4 giai đoạn, nông dân mới đưa được con tôm tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Qua mỗi giai đoạn ấy, người nuôi tôm mất dần lợi nhuận và người được lợi trực tiếp không ai khác lại chính là những người trung gian.
Trong chuỗi liên kết này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hầu hết chỉ phát triển theo lĩnh vực của mình, chưa có sự phối hợp, liên kết với nhau. Người nuôi tôm rất hiếm khi được doanh nghiệp sản xuất giống cung cấp giống trực tiếp với giá gốc mà mua phải qua đại lý phân phối. Còn doanh nghiệp chế biến thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học thì phân phối cho đại lý cấp 1, rồi cấp 2… mới đến người nuôi tôm với giá thành đội lên rất cao. Khi thu hoạch tôm, người nuôi chủ yếu bán cho thương lái vì trong thời gian chờ doanh nghiệp trực tiếp thu mua khi tôm đã lên đầm khiến tôm "rớt" (chết), lợi nhuận giảm đi rất lớn.
Nhìn vào mô hình liên kết hiện nay, có thể thấy từ người nuôi đến xuất khẩu phải trải qua nhiều giai đoạn. Cũng có nghĩa là số lợi nhuận mà người nuôi tôm thật sự nhận được giảm dần qua các giai đoạn. Người trực tiếp sản xuất ra con tôm, cũng là người chịu nhiều vất vả, rủi ro, thiệt thòi nhiều nhất trong mô hình liên kết như bây giờ.
Từ những thực tế đó, ngành nông nghiệp ở một số địa phương ĐBSCL đã xây dựng mô hình liên kết mới, đó là liên kết "6 nhà": nhà nông - nhà nước - nhà băng (ngân hàng) - doanh nghiệp - người nuôi tôm - nhà phân phối. Trong đó có sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. Theo đó, người nuôi tôm phải góp tối thiểu 25% vốn (qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…), doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi, ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp…
Chuỗi liên kết mới sẽ là người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi. Người nuôi tôm sẽ được bán trực tiếp con tôm cho doanh nghiệp chế biến, đóng gói bỏ qua 2 trung gian đầu mối. Nói chung là phải đặt trách nhiệm cho mỗi bên tham gia chuỗi liên kết và cùng có lợi.
Bình luận (0)