xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Máu nghề" thì không có tuổi

Nguyễn Đình Xê (nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Người Lao Động)

Tôi nhiều lúc tự mình gật gù thú vị bên ly cà phê sáng sớm với tờ Người Lao Động trên tay

Một trang báo hay, được chăm chút kỹ với tính chuyên nghiệp cao; một chủ đề thiết thực đề cập và đối diện thẳng thắn để chuyển tải tiếng nói kịp thời liên quan đến đời sống xã hội ở cơ sở; một hoạt động nhân ái ngoài trang báo khiến lay động lòng người và lan tỏa cái đẹp…, tôi nhiều lúc tự mình gật gù thú vị bên ly cà phê sáng sớm với tờ Người Lao Động trên tay.

Ngụm cà phê sớm mai dường như thêm đậm đà. Phút chốc, thấy lại bóng dáng chính mình trong căn gác tòa soạn thân quen mấy mươi năm trước qua hình dung nỗi bận rộn miệt mài và tất tả giữa khuya hôm của các em, các cháu bây giờ.

Nhưng không phải lúc nào ly cà phê sáng cũng thêm hương vị. Đó là lúc dán vào mắt mình một cái tít lạc lõng trong trang báo dày đặc chữ, hình minh họa nguội lạnh, một dòng sa-pô lười biếng qua từ ngữ trùng lặp với các tít phụ bên dưới, một đề tài thời sự được đông đảo công chúng chờ đợi nhưng trang báo chỉ thờ ơ lướt qua. Phút chốc, tôi cũng hình dung vẻ trầm tư của mình và đồng nghiệp cùng không khí tiếc nuối trong phòng họp sáng sớm của hội đồng biên tập năm nào với lời tự trách "phải chi anh em mình chịu khó hơn nữa".

Máu nghề thì không có tuổi - Ảnh 1.

Tác giả thường xuyên đọc Báo Người Lao Động và góp ý chân thành

Ngụm cà phê sáng lúc ấy chẳng thấy ngon. Trang báo còn nóng trước mặt, nghĩ tới nghĩ lui, tôi bấm điện thoại với dòng tin nhắn thân tình cho vài đồng nghiệp trẻ ở tòa soạn về những hạt sạn kia. Từng làm việc bên nhau, hiểu và chia sẻ nhau trong nghiệp vụ, tôi tin các bạn không tìm thấy điều gì khó chịu, tổn thương qua các góp ý thẳng thắn, chân tình. Dòng hồi đáp tức thời cho thấy các bạn cũng vui vì tin cậy và gần gũi nhau hơn.

Ngụm cà phê trở lại với hương vị cũ vào lúc tôi nghiệm ra rằng "máu nghề nghiệp" thì không bao giờ già, thậm chí không có tuổi. Nó xuất phát từ sự gắn bó, chia sẻ và gánh vác giữa đồng nghiệp, trong tình yêu và sự tự trọng với nghề, trong ý thức giữ gìn và tôn tạo các giá trị của cái măng-sét mà mình từng góp phần chăm chút.

Ai đó bảo người làm báo không có tuổi hưu với ý niệm rằng các đặc tính nghề nghiệp luôn hiện hữu trong mỗi người làm báo dù tuổi tác và sức khỏe không cho phép họ xông pha như thời trẻ. Nhưng cũng đừng quên báo chí là lĩnh vực mà hành trình tác nghiệp luôn đòi hỏi cái mới ở nhiều khía cạnh; sản phẩm hôm qua không thể giống với hôm nay, đặc biệt vào thời phát triển công nghệ thông tin. Rèn tính chuyên nghiệp và không ngừng học hỏi để cách tân, tiến bộ trong từng chi tiết nhỏ là đòi hỏi hằng ngày.

Các đồng nghiệp trẻ ơi, đừng ngại khi sáng mai nào nhận được tin nhắn của tôi...!

3-Ngọc Cúc

Phùng Ngọc Cúc, nguyên Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động:

Luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống trọn vẹn quãng đời làm báo của mình qua những thời khắc lịch sử đầy gian khổ nhưng đáng tự hào của Báo Người Lao Động: Những cải tiến đột phá, ấn tượng về nội dung buổi ban đầu những năm 1990; bắt tay vận hành thành công Tòa soạn hội tụ khoảng năm 2013-2015... Khó diễn tả hết các cung bậc cảm xúc mà tôi đã trải qua sau 26 năm sống cùng tờ báo.

Trong buổi tiệc nhỏ chia tay Tòa soạn để nghỉ hưu, tôi nhớ mình có nói một câu: "Tin rằng các bạn trẻ hiện nay sẽ làm được điều mà lớp đi trước như tôi chưa làm được. Đó là vừa đưa nội dung tờ báo đi lên vừa làm tốt kinh tế để cải thiện đời sống anh em".

Hiện nay, Ban Biên tập gồm thế hệ 7X, 8X chẳng những tiếp tục có nhiều đột phá về nội dung, đoạt nhiều giải báo chí từ TP HCM đến quốc gia... mà còn làm kinh tế cho báo khá tốt. Có được điều này, chắc rằng Ban Biên tập cùng tập thể Báo Người Lao Động đã nỗ lực rất lớn.

Hành trình phía trước còn nhiều gian nan nhưng với những gì làm được hôm nay, tôi tin báo sẽ phát triển mạnh mẽ.

3-Minh Ha

Minh Hà, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Báo Người Lao Động:

Tự hào với Người Lao Động

Tôi vẫn luôn tự hào là một trong những thành viên gắn bó gần như trọn cả tuổi thanh xuân với Báo Người Lao Động. "Bôn ba" qua 5 đời tổng biên tập, nhiều ngã rẽ và không ít lần xao động nhưng cuối cùng, danh xưng vẫn là Báo Người Lao Động. Có lẽ cũng vì đây là tờ báo "lành" nhất, luôn kiên trì với tôn chỉ, mục đích của chính mình - người bạn đồng hành tin cậy của người lao động.

Phóng viên của Báo Người Lao Động vẫn nổi tiếng là xông xáo, lăn xả vào đời sống thực tế; bám sát đời sống, việc làm của công nhân, người lao động trên mọi nẻo đường, mọi miền đất nước. Phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố mới, cách làm mới; dũng cảm phanh phui, phản ánh những bất cập, yếu kém, tiêu cực xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường... Báo luôn có những cải tiến đột phá, đổi mới về nội dung cũng như cách trình bày; mở rộng đối tượng đến bạn đọc trong và ngoài nước. Quá trình ấy đã đào luyện nên một đội ngũ cán bộ, phóng viên giỏi, nhiệt huyết, phát huy được thế mạnh ở bất cứ nơi đâu.

Đặc biệt hơn, dù chưa phải là một tờ báo mạnh về kinh tế nhưng Báo Người Lao Động vẫn giữ được đội ngũ làm báo thanh sạch, tâm huyết với nghề. Nội bộ đoàn kết cùng hướng đến mục tiêu phát triển tờ báo bền vững, bắt kịp xu thế xã hội và nhu cầu của người đọc. Gần đây, bên cạnh những cải tiến về nội dung, báo đã phát động và thực hiện nhiều chương trình xã hội thiết thực, nhất là chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đầy ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn.

Dù trải qua 2 năm bùng phát dịch Covid-19 khó khăn, báo vẫn giữ nhịp phát hành, nhân sự không bị cắt giảm, thu nhập vẫn bảo đảm. Đó là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển bền vững. Thu nhập chung của cán bộ, nhân viên bằng nhiều cách cũng được cải thiện hơn.

47 năm, Báo Người Lao Động đang bước vào giai đoạn phát triển đẹp nhất, chín nhất. Chặng đường phía trước còn dài nhưng với hành trang vốn có, báo đủ tự tin tiến bước, để các thế hệ luôn tự hào với danh xưng Người Lao Động.

3-Kim Ngan.jpg

Võ Thị Kim Ngân, nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện miền Trung:

Vài dòng kỷ niệm...

Năm 1998, tôi chuyển về công tác tại Báo Người Lao Động với vị trí Trưởng Văn phòng Đại diện miền Trung. Sau 18 năm công tác, tôi nghỉ chế độ vào năm 2016. Đó là quãng thời gian hoạt động báo chí sôi nổi, nhiều dấu ấn, kỷ niệm đẹp trong 33 năm làm báo của tôi.

Ngay từ khi mới về báo, song song với việc củng cố văn phòng, được sự quan tâm của Ban Biên tập, Tòa soạn, nhiều hoạt động của báo đã triển khai tại miền Trung, như "Ngày hội việc làm", "Lòng nhân ái thắp sáng niềm tin", "Đưa trường học đến thí sinh"... Đặc biệt, miền Trung vốn là mảnh đất khắc nghiệt - năm nào thiên tai cũng xảy ra. Năm 1999, miền Trung diễn ra trận lũ thế kỷ, thông qua Văn phòng Đại diện miền Trung, tin - bài về trận lũ và những tang thương do đợt mưa lũ thế kỷ gây ra tại các tỉnh miền Trung được cập nhật liên tục trên mặt báo, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Hàng tỉ đồng cùng nhiều hàng hóa cứu trợ do bạn đọc Báo Người Lao Động ủng hộ đã được chuyển ra miền Trung và đưa đến tay người dân vùng lũ.

Điều đọng lại trong tôi sau khi rời báo là niềm tự hào đã được làm việc tại một tờ báo chính trực, nhân văn, trong sáng, luôn hướng về cộng đồng để làm những điều tốt đẹp nhất, ân tình nhất.

Thời gian sau này, hoạt động báo chí có nhiều khó khăn hơn nhưng tôi rất mừng vì thấy tờ báo không những đứng vững mà ngày càng phát triển, với nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự tin cậy với bạn đọc và cộng đồng, như chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Báo Người Lao Động ngày nay với đội ngũ lãnh đạo - phóng viên trẻ, nhiệt tình, năng động, có kiến thức, tiếp cận nhanh những sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, tôi tin rằng tờ báo sẽ ngày càng phát triển và là một diễn đàn thông tin tin cậy đối với bạn đọc.

3-Bảo Ngọc

Bảo Ngọc, nguyên phóng viên Báo Người Lao Động:

Tình đầu khó phai

Sau vài đơn vị thực tập, Báo Người Lao Động là nơi tôi "ổn định" đầu tiên kể từ khi rời ghế giảng đường đại học. Người ta nói tình đầu khó phai, quả đúng thế! Đoạn đường với "anh công nhân" Người Lao Động chỉ hơn 4 năm nhưng là quãng thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, máu lửa của tôi và cũng không kém phần gai góc. Nơi đó tôi đã gặp những người thầy thật giỏi, thật tâm huyết, góp phần dìu dắt để tôi có thể vững vàng tiếp nối nghề viết, xây dựng quan hệ, thu thập thông tin và kể cả chọn được cho mình một tâm thế, cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống.

Ngày mới về báo hơn 20 năm trước, tôi được thử sức với mảng giao thông công chánh thuộc Tổ Địa phương. Khi Tổ Nội chính thành lập, tôi được chuyển về đơn vị mới. Nghe gặp công an, kiểm sát viên, tội phạm... là tôi lắc đầu nguầy nguậy ngay khi được phân công. Giờ nhớ lại cũng thấy nó như cái nghiệp mình phải mang, lắm gian truân, cực khổ nhưng nhờ thế mới có được tôi như bây giờ.

Thấm thoắt đã 17 năm rời xa nhưng mỗi khi có dịp đến báo, tôi đều cảm giác như được về nhà. Vẫn còn đó những đồng nghiệp đã đồng cam cộng khổ với tôi thời ấy và thêm nhiều người bạn đáng yêu mới.

Chúc Báo Người Lao Động ngày càng phát triển hơn nữa, trở thành kênh thông tin quen thuộc của mọi người, mọi nhà và mãi là tình yêu lớn trong tim của những ai đã và đang gắn bó với nơi đây.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo