Thật bức xúc khi sách giáo khoa luôn là vấn đề gây đau đầu cho phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Năm trước chỉ hơn trăm ngàn cho bộ sách tiểu học, thế là qua năm sau học chương trình mới, phải mua sách mới và giá nhảy vọt lên gấp đôi. Chưa hết bất ngờ thì trường lại thông báo phải mua thêm sách bài tập, sách phụ đạo, sách năng khiếu… tốn thêm một mớ tiền. Với cách thiết kế của những bộ sách mới này thì học sinh khó có thể sử dụng cho năm học sau. Phần lớn bài tập được in trực tiếp nên khi làm bài trên sách thì không thể để lại cho người học kế tiếp. Sách kiến thức học đường nhưng sao lại như một món ăn nhanh, chỉ dùng cho một người và có thời hạn sử dụng không dài.
Những bất cập trên không hiểu bằng một cách nào đó luôn mang lại lợi ích rất lớn cho những nhà xuất bản và giới kinh doanh. Và ngược lại, phía thiệt thòi luôn là phụ huynh và học sinh.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi khi sắp hết hè, thầy hiệu trưởng viết thông báo trước cổng trường: Bán sách giáo khoa cũ. Những bộ sách quăn góc, cũ kỹ, nhiều cuốn mất bìa được học sinh năm trước không còn sử dụng gửi lại cho trường. Sách được bán với giá bằng 1/4 bộ sách mới. Toàn bộ số tiền bán sách được dùng sửa chữa bàn ghế, bảng đen, quét vôi tường… Nhiều gia đình có đến mấy anh chị em cùng học bộ sách ấy. Không ít người thành danh nay vẫn còn kể cho nhau nghe về những bộ sách cũ mà một thời chuyền tay nhau học.
Kiến thức học đường là kiến thức tích lũy qua từng năm học. Nó mang tính liên tục và cần sự ổn định để học sinh tự hệ thống và nâng dần trình độ. Một khâu trục trặc, một cuốn sách thiếu chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu, tổng hợp của học sinh và phải cần thời gian rất lâu để củng cố lại. Cải cách đến đâu cũng phải tôn trọng nguyên tắc này và cân nhắc đến mức thu nhập chung của số đông người dân. Không thể cứ tự nhủ nhau đầu tư cho giáo dục là đầu tư tốt nhất, chất lượng tương ứng với chi phí để áp dụng trong môi trường giáo dục công. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn phổ cập và hoàn thiện chương trình giáo dục nên những kế hoạch xa hoa, mưu cầu chất lượng đại nhảy vọt khó có thể hiện thực.
Sách giáo khoa là xương sống của chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học nhưng tại sao qua mấy mươi năm chúng ta không tạo được sự ổn định cho vấn đề quan trọng này? Hiện đại hóa chương trình sách giáo khoa nhưng không thể để những rào cản phi lý như giá sách cao, sách lậu, chương trình không đồng bộ… ngáng đường. Hậu quả của vấn đề này không hề nhỏ. Nó tác động không tốt đến những thế hệ học sinh hiện tại và đừng quên đây là thế hệ kế tiếp - là tương lai đất nước.
Thiết kế những bộ sách hoàn chỉnh và có tính kế thừa không là việc quá sức của cơ quan quản lý giáo dục quốc gia nếu việc đó được thực hiện một cách sát thực tế và bài bản.
Bình luận (0)