Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều 30-12, không khí lạnh mạnh đã gây rét đậm và rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Mẫu Sơn phủ trắng băng giá
Cơ quan trên cho biết nhiệt độ thấp nhất đêm 29-12 và sáng 30-12 ghi nhận ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) âm 0,5 độ C; Sa Pa (Lào Cai) 3 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 3,3 độ C; Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,5 độ C, Hà Nội 8,8 độ C... Ngoài ra, các tỉnh vùng núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ chỉ ở mức trên dưới 10 độ C.
Khách du lịch bất chấp giá lạnh Mẫu Sơn “săn” băng giá Ảnh: TTXVN
Ở nơi thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ giảm sâu nhất, Mẫu Sơn (cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển) bị băng phủ dày từ đỉnh xuống dưới. Đây là lần đầu tiên trong mùa đông xuân 2018-2019, Mẫu Sơn xuất hiện băng giá. Tại khu du lịch Mẫu Sơn, cao 1.200 m so với mực nước biển, từ sáng sớm 30-12 có gió thổi mạnh càng khiến giá rét khó chịu hơn, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thông tin đợt không khí lạnh này xảy ra từ ngày 27-12 ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nhưng đến ngày 28-12 thì không khí lạnh tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng toàn vùng Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ; trời chuyển rét, vùng núi trung du đã chuyển rét đậm, rét hại. Mức độ rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ đang có chiều hướng mạnh thêm, kết hợp rãnh gió Tây di chuyển sẽ gây ra một đợt mưa trên diện rộng, có nơi mưa vừa đến mưa to.
Cũng theo ông Lâm, đợt giá rét này dự báo kéo dài đến ngày 4-1-2019, khả năng băng giá cũng sẽ kéo dài như vậy; nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của con người, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn... "Đợt rét này là mạnh nhất của mùa đông năm nay, có thể so sánh gần bằng đợt rét đậm kỷ lục ở Bắc Bộ trong năm 2008 và một số đợt khác" - ông Lâm nhấn mạnh.
Điều đáng lo ngại là trong vài ngày qua, bất chấp cảnh báo giá rét nguy hiểm của cơ quan chức năng, khá nhiều người dân ở khắp nơi đã tìm đến Sa Pa, Mẫu Sơn để tham quan, "săn" băng, tuyết.
Miền Trung, Nam Bộ: Nguy cơ sạt lở, ngập lụt
Cũng do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nói trên, từ nay đến ngày 4-1-2019, ở hầu khắp các tỉnh Trung Bộ, kể cả Nam Bộ, sẽ có mưa. Phân bố mưa sẽ có sự khác biệt, đầu tiên là đêm 27-12, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa; sau đó, từ ngày 29 đến 31-12, do không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông gây ra mưa rất to ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đặc biệt từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có nơi mưa lên tới 150 mm/ngày, có nơi cao hơn. Dự báo trong vài ngày tới, khu vực Trung Bộ tiếp tục có mưa to.
Khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM cũng đang nằm trong những ngày tiết trời se lạnh do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh. Cũng do hình thái thời tiết bất thường, tại TP HCM, dự báo trong 2-3 ngày tới sẽ tiếp tục có mưa giông, sau đó mưa có xu hướng giảm dần.
Đáng chú ý, theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến ngày đến 4-1-2019, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông nhỏ ở Thừa Thiên - Huế, từ Quảng Ngãi đến Bắc Bình Thuận lên mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên mức báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Đợt áp thấp mới có khả năng mạnh lên thành bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng sớm 30-12, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông đã vượt qua miền Trung Philippines, sau đó dịch chuyển nhanh về phía Tây Nam. Chiều cùng ngày, áp thấp nhiệt đới này đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trong khi đó, cũng trong chiều 30-12, trên khu vực Nam biển Đông hình thành một vùng áp thấp mới. Hồi 13 giờ ngày 30-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp chỉ còn cách quần đảo Trường Sa khoảng 250 km về phía Đông - Đông Nam. Dự báo đến chiều 2-1-2019, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão cách mũi Cà Mau khoảng 250 km về phía Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật cấp 9.
Bình luận (0)