xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Tây ngóng lũ

THỐT NỐT - CA LINH

Lũ năm nay ở ĐBSCL về trễ và thấp, báo hiệu một mùa nước nổi buồn, ít phù sa, nghèo cá, kế sinh nhai của người dân lại bị ảnh hưởng

Những ngày cuối tháng 8-2020, người dân nghèo sống dọc theo 2 tuyến sông Tiền và sông Hậu lo lắng vì nước lũ vẫn chưa thể tràn đồng để họ bắt tay vào cuộc mưu sinh mới.

Nhớ những mùa lũ "đẹp"

Những ngày chờ con nước lũ, lão nông Hai Xíu (ngụ xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cứ nằm hoài trên võng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hai Xíu bảo: "Vào thời điểm này trước đây, nước lũ đã bắt đầu mấp mé bờ kênh nhưng bây giờ thì chưa thấy gì cả. Nước kênh cạn đến độ không thể thả lưới".

Ông Hai Xíu nhớ lại những mùa lũ "đẹp". Cứ mỗi khi lũ về là bà con nông dân rủ nhau săn bắt cá ở khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia. Có ngày, gia đình ông đặt đú, đặt dớn bắt được 5 tấn cá, nhiều nhất là cá linh non. Còn bây giờ, lũ về trễ và không tràn đồng như trước, cá tôm cũng ít đi.

Miền Tây ngóng lũ - Ảnh 1.

Những ngày này, người dân ở đầu nguồn sông Hậu đi thả lưới nhưng bắt được rất ít cá do lũ không về Ảnh: THỐT NỐT

Nhà của ông Út Tòng ở khu vực cồn Cốc thuộc ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ông hào hứng khi nói về những năm lũ "đẹp" vì nó giúp cho làng nghề đan lợp cá linh do chính ông sáng chế và khởi xướng. Từ năm 2005 đến năm 2009, xóm cồn Cốc hình thành 2 tổ sản xuất lợp cá linh với gần 90 hộ tham gia. Bình quân mỗi năm, họ xuất sang Campuchia được khoảng 20.000 chiếc lợp với giá bán 40.000 đồng/chiếc, số ít còn lại tiêu thụ nội địa. "Hồi đó vui lắm, vì lúc nào cả xóm cồn Cốc cũng đều chộn rộn từ sáng sớm cho tới chiều tối, thậm chí có người còn làm việc xuyên đêm để đan lợp bán kiếm thêm thu nhập" - ông Út Tòng nói.

Đó là ký ức về những mùa lũ đã qua. Còn bây giờ, cuối tháng 8 nhưng nước lũ vẫn chưa về, ruộng đồng vắng người giăng câu bắt cá. Ông Út Tòng còn than rằng do mấy năm liên tục nước lũ về ít, mưu sinh gặp khó nên phần lớn các hộ dân ở cồn Cốc này bỏ nghề, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, nhiều nhất là lên Bình Dương làm công nhân.

Ngồi vá lại những mảnh lưới rách bên kia bờ sông Châu Đốc, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thượng (ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) cũng đứng ngồi không yên vì nước lũ ở khu vực được cho là đầu nguồn sông Hậu vẫn chưa về nhiều. "Mấy năm qua, nhiều gia đình ở đây cũng đã bỏ xứ đi nơi khác kiếm việc. Vợ chồng tôi cố gắng bám trụ lại đây vì còn con nhỏ đang theo học ở địa phương, cũng như bản thân không có nghề gì khác. Chỉ mong sao lũ sớm về, để còn đi đặt dớn bắt cá…" - ông Thượng bộc bạch.

Phụ thuộc mưa thượng nguồn

"Tôi mới đi Đồng Tháp về không thấy nước. Một số nơi đê bao bể, hư, nông dân cũng không thèm đắp. Điều này báo hiệu một mùa nước nổi buồn, ít phù sa, nghèo cá. Kế sinh nhai của người dân lại bị ảnh hưởng" - PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ khi đề cập biến đổi khí hậu tác động đến vùng ĐBSCL.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, đến ngày 23-8, số liệu thực đo ở Trạm Thủy văn Tân Châu tại An Giang (đầu nguồn vùng ĐBSCL) cho thấy mực nước ở mức thấp là 1,65 m. Trong khi những năm về trước, thời điểm này mực nước tại Tân Châu đạt 2-3 m. Những ngày qua, mực nước tại đây cũng chưa có nhiều thay đổi, dự báo lũ sẽ về chậm và thấp.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các quốc gia phía trên trong lưu vực Mê Kông. Cụ thể, phần Trung Quốc đóng góp 16% tổng lượng nước hằng năm, Myanmar 2%, Lào 36%, Đông Bắc Thái Lan 18%, Campuchia 18%, Tây Nguyên và mưa tại chỗ ĐBSCL 10%. Trong mùa mưa, các chi lưu ở phía tả ngạn, tức phía Tây Trường Sơn ở Lào ảnh hưởng lớn đến mực nước mùa lũ ở ĐBSCL. Có hai vùng mưa quan trọng cần quan tâm đó là vùng mưa Bắc Lào ở Vientiane sang Nghệ An và vùng mưa ở Nam Lào thuộc tỉnh Champasak sang Quảng Nam, Kon Tum. Khi nào cả hai vùng này mưa nhiều thì gần như chắc chắn lũ sẽ về nhiều ở ĐBSCL. Có khi chỉ mưa vùng phía Nam mà không có lượng mưa vùng phía Bắc hỗ trợ thì ở ĐBSCL có thể xuất hiện lũ thấp, kết thúc nhanh.

ThS Nguyễn Hữu Thiện thông tin thêm: "Đến ngày 25-8, mực nước phía Bắc Lào còn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 1,5-2 m. Mực nước ở Campuchia và Việt Nam thiếu hụt khoảng 3 m so với TBNN. Từ đầu năm tới nay, lượng mưa ở lưu vực Mê Kông thấp do El Nino. Thêm vào đó, do mùa khô đầu năm nay hạn cực đoan, các hồ chứa thủy điện thiếu nước nên khi bắt đầu có mưa lại thì các hồ sẽ giữ lại đến đầy mới xả ra, do đó cũng làm chậm nước về phía hạ lưu". 

Cuối tháng 9 xuất hiện đỉnh lũ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở vùng ĐBSCL. Đỉnh lũ trong năm ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc dao động khoảng từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình 0,2 - 0,4 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo khoảng cuối tháng 9-2020.

V.Duẩn

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Miền Tây ngóng lũ - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo