xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Trung phải "đi nhanh mà không ngã"!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các tỉnh, thành miền Trung cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế, nói nôm na là làm sao để "hai chân không giẫm vào nhau", có được bước đi nhanh và không vấp ngã

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 20-8, ở Bình Định.

Phát triển chưa xứng tầm

Hội nghị còn có sự tham dự của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện, lãnh đạo 14 tỉnh - thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng 2 tỉnh Tây Nguyên, các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Với hơn 700 đại biểu, hội nghị được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhìn vào bản đồ Tổ quốc, miền Trung như xương sống của đất nước và cũng có hình ảnh ví von như chiếc đòn gánh nên "hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy". Do đó, phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh.

Thủ tướng đặt vấn đề quy mô phát triển kinh tế vùng đạt 1 triệu tỉ đồng. Năm 2018, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, miền Trung có 14 tỉnh, thành nhưng chỉ chiếm 20% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng nhưng doanh thu chưa đạt 2% cả nước... Với dân số trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là tài sản rất quan trọng. Miền Trung phải làm sao để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, thu hút được những người tài giỏi đến làm việc.

Miền Trung phải đi nhanh mà không ngã! - Ảnh 1.

Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại tỉnh Bình Định sáng 20-8 Ảnh: QUANG LIÊM

"Một bác sĩ giỏi phải "bắt" đúng bệnh mới chữa được bệnh cũng như miền Trung cần phải tìm ra đâu là căn bệnh để có giải pháp tháo gỡ... Tôi mong các đại biểu đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng, để miền Trung đi nhanh mà không bị vấp ngã" - Thủ tướng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết miền Trung đang tồn tại rất nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Đó là quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Thu ngân sách chưa bền vững; thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỉ lệ cao trong tổng số thu nội địa, khoảng 22%-25%.

Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tâm lý e ngại khi đầu tư vào vùng thường gặp thiên tai, bão lũ và giao thông chưa thật sự thuận tiện.

Gỡ vướng thể chế, khẩn thiết liên kết vùng

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho rằng quy hoạch phát triển vùng rất quan trọng, đặc biệt chiều dài của miền Trung lên đến 1.400 km nhưng chưa có quy hoạch, thiếu liên kết. Quy hoạch phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là lĩnh vực lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và du lịch. Ngoài việc quy hoạch vùng, cần có thể chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, tạo ra những "con sếu đầu đàn" lớn là rất quan trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Ngoài ra, cần chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cũng như phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để miền Trung thực sự phát huy hiệu quả, trước mắt phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch ở khu vực. Các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao... Đặc biệt, cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch vùng nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng.

"Bây giờ hoặc không bao giờ"

TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM, cho rằng vùng này với tiềm năng, đặc biệt với chiến lược phát triển kinh tế biển, việc tăng trưởng 9%-10% mỗi năm không phải lớn, miền Trung hoàn toàn có thể đạt được.

Quan trọng nhất của miền Trung, ngoài phát triển cân đối nông - lâm - ngư nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Cảng biển nếu không phát triển công nghiệp thì cảng không có tác dụng gì. Do đó, ngay hôm nay, ngay bây giờ, miền Trung cần phải hành động để không còn là đòn gánh yếu nữa... Muốn như vậy, chúng ta cần gỡ vướng thể chế, có cơ chế mở, không còn trói buộc nữa. Chúng ta muốn bước nhanh phải mở cửa cơ chế, để bước đi không bị vấp ngã. Tôi cho rằng nếu thể chế nhanh một ngày, miền Trung sẽ phát triển nhanh một năm" - TS Trần Du Lịch đề nghị.

Miền Trung phải đi nhanh mà không ngã! - Ảnh 2.

Ngư dân Bình Định treo cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động trao tặng. Ảnh: QUANG LIÊM

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần thiết hiện nay miền Trung phải có sự liên kết vùng, tránh việc các địa phương đi nhỏ lẻ rồi vấp ngã. "Phải có người "đầu bếp" cho toàn vùng. Tôi mong sau hội nghị, chúng ta cởi trói, bước nhanh cho miền Trung" - TS Trần Du Lịch nói.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương quyết tâm, làm sao trong vòng 10-15 năm tới, phải đưa miền Trung phát triển nhanh, bền vững; phải xác định ngay bây giờ để đưa miền Trung "cất cánh"...

"Mỗi một địa phương miền Trung như một đốt sống kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị thoát vị đĩa đệm. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu" - Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài tập trung phát triển ngư nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, miền Trung phải chú trọng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Song song đó phải phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Đặc biệt cần có sự liên kết vùng và thể chế phát triển vùng; xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn. 

Nâng cao đời sống người dân từ nông thôn mới

Chiều 20-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố thị xã An Nhơn hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là 2 trong số những địa phương đi đầu của Bình Định trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, Bình Định có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 64,9% và 2/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của người dân, do đó việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống, sinh hoạt, sản xuất là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng. Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng 100 món quà, mỗi suất quà trị giá 3,2 triệu đồng, cho các gia đình là nạn nhân chất độc da cam. Chương trình do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Quân Đội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng triển khai.


Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng:

Định vị thương hiệu du lịch khoa học

Đối với tỉnh Bình Định, hơn 4 năm lập các thủ tục cần thiết như bổ sung quy hoạch, đánh giá tác động môi trường KCN - Đô thị - Dịch vụ Becamex tại huyện Vân Canh, cửa ngõ phía Tây của TP Quy Nhơn, tỉnh cũng đã đầu tư gần 2.000 tỉ đồng vào tuyến đường cao tốc từ cảng Quy Nhơn đến KCN này và sẽ khánh thành trong tháng 9-2019.

anh-box-4-5

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghịẢnh: QUANG LIÊM

Đề nghị Bộ KH-ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Tổng Công ty Becamex làm chủ đầu tư triển khai xây dựng một KCN hiện đại tại đây, tạo điều kiện cho Bình Định tăng tốc trong thu hút đầu tư thời gian tới.

Hiện nay, tỉnh Bình Định đang quy hoạch và xây dựng Khu Đô thị khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Long Vân. Đây là khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm đến đặc trưng của Việt Nam về khoa học, giáo dục và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch khoa học đối với du khách. Hiện nay, mỗi năm, hàng ngàn nhà khoa học, trong đó nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel, đã đến đây để nghiên cứu, trao đổi, tổ chức hội nghị.

Khu Đô thị khoa học Quy Hòa có diện tích 242 ha, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Long Vân có diện tích 110 ha. Để dự án trọng điểm này sớm triển khai xây dựng, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm sớm thông qua đề án và cho hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt; đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại khu đô thị khoa học này.


Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng số vốn 36.252 tỉ đồng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo