Đối với các dự án BOT giao thông, sự minh bạch là vấn đề được mọi người quan tâm. Minh bạch ngay từ khâu khảo sát, lập dự án, đấu thầu, thi công, nghiệm thu... tới khi kết thúc dự án bàn giao lại cho nhà nước quản lý. Vì chỉ khi minh bạch thì người dân mới đồng tình, mới có thể phát huy tối đa được tính ưu việt của các dự án BOT giao thông. Một trong những mấu chốt của sự minh bạch này chính là nguồn thu trong quá trình hoàn vốn cho dự án, nó liên quan trực tiếp tới thời gian kết thúc dự án.
Có lẽ do đã thấy trước được những bất cập về tính minh bạch trong khâu thu phí hoàn vốn dự án kiểu thủ công hiện nay mà Thủ tướng chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước, phải thực hiện ngay việc thu phí không dừng theo các lộ trình. Muộn nhất là cho tới cuối năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước phải thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngay khâu đầu tiên của dự án thu phí không dừng này đã vấp ngay sự phản đối của các chủ đầu tư BOT do họ cho là bị ép phải sử dụng thiết bị. Họ không được quyền lựa chọn nhà cung cấp thiết bị đầu cuối mà phải sử dụng thiết bị của liên danh Tasco-VETC, được nhà nước chỉ định. Ngay cả kết quả thu phí từ công nghệ mới này cũng gây ra nhiều băn khoăn. Đến nay, mới chỉ khoảng 700.000 trong tổng số trên 3 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí tự động E-tag. Doanh thu phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, mới khoảng 10%.
Ngược lại, các chủ phương tiện cảm thấy bất tiện, thiệt thòi khi áp dụng công nghệ mới. Thực tế do chưa được có sự liên thông thu phí nên dù được dán thẻ E-tag nhưng họ vẫn phải mua vé, trả phí thủ công ở nhiều trạm. Thêm vào đó, giá lắp đặt, phí đặt cọc để gắn thẻ không hề rẻ nhưng khi có lỗi, hư hỏng thì phía chủ phương tiện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Với các phương tiện cá nhân thì còn có thể chấp nhận được nhưng với các đơn vị kinh doanh vận tải có số lượng xe lên đến cả ngàn chiếc thì lại không hề đơn giản. Rồi vấn đề liên kết giữa các ngân hàng, việc mang lại tiện lợi tối đa cho người sử dụng cũng chưa được đề cập.
Dư luận cũng đang tỏ ra hoài nghi về tính xác thực theo kiểu đếm xe lưu thông trực tiếp như mấy ngày vừa qua đối với trạm thu phí BOT tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hoài nghi bởi các số liệu này vẫn chỉ là ước lượng, đại khái và chưa thực sự phản ánh đầy đủ số lượng phương tiện lưu thông qua trạm, để từ đó áp dụng thời gian thu phí hoàn vốn.
Để thu phí tự động không bị tắc cũng như xóa bỏ những bất cập trong các dự án BOT, nhà nước phải sớm bắt tay vào giải quyết. Đi kèm với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người có phương tiện tham gia lưu thông hiểu được các quyền lợi thực sự khi sử dụng công nghệ mới.
Cũng chỉ khi nào xóa bỏ độc quyền thu phí, minh bạch tài chính, cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được việc thu phí, hoàn vốn thì mới có hy vọng dự án thu phí tự động phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Bình luận (0)