Ngày 21-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Đây là lần đầu tiên dự thảo được trình ra QH, dự kiến thông qua sau 2 kỳ họp nhưng do nội dung còn sơ sài, các đại biểu (ĐB) đề xuất phải được xem xét tại 3 kỳ họp để bảo đảm tính khả thi.
Phải truy tận gốc tài sản bất minh
ĐB Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho biết qua 10 năm thi hành Luật PCTN, tội phạm tham nhũng gây thiệt hại hơn 59.750 tỉ đồng và 400 ha đất nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỉ đồng và 216 ha đất, tương đương khoảng 10%.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy góp ý cho dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng Ảnh: ĐÌNH NAM
Theo bà Thủy, thu hồi tài sản tham nhũng rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Các trường hợp kê khai tài sản không đúng, chỉ có thể kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức người kê khai nhưng không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc. Muốn tịch thu khối tài sản này phải qua một vụ án hình sự với thủ tục rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án. Tuy nhiên, dự thảo tiếp tục bỏ ngỏ vấn đề xử lý tài sản bất minh, chỉ có cơ chế xử lý đối với người kê khai không đúng.
Bà Thủy nhấn mạnh thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là vấn đề mới và khó với Việt Nam, người dân đang rất chờ đợi cơ chế xử lý để nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Bà Thủy cho biết: "Trung Quốc không có luật riêng về PCTN nhưng trong Bộ Luật Hình sự của họ có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản, nếu không giải trình được thì phần tài sản đó bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra còn có thể phạt tù đến 5 năm nên việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện rất triệt để, có thể tịch thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền".
ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) đề nghị bổ sung quy định tài sản không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp là tài sản tham nhũng. Qua đó, giải quyết 2 vấn đề cốt lõi của Luật PCTN là trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát, truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.
Tất cả củi đều phải cháy!
Một nội dung quan trọng của dự thảo được các ĐB có ý kiến khác nhau là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, quy định về minh bạch tài sản đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, quỹ đầu tư…
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đánh giá: "Mười năm qua, chúng ta thi hành Luật PCTN như xây lò nhưng củi to, củi ướt không cháy được. Phải sửa, gia cố để tất cả củi to, củi nhỏ, củi ướt khi đưa vào lò đều phải được đốt cháy mới triển khai được chủ trương PCTN của Đảng và mong muốn của nhân dân". Theo ĐB Chiến, phải xác định ai mới lấy được tài sản này, phải là người có chức vụ, quyền hạn, là chủ thể đặc biệt. Cho nên, mở rộng phạm vi đối tượng PCTN ra khu vực ngoài nhà nước là không hợp lý.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại thống nhất với nội dung đề xuất của dự thảo và cho rằng đây là điểm nổi bật, phù hợp công ước quốc tế, các chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng việc PCTN ra khu vực ngoài nhà nước; đồng thời, thể hiện sự đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng khi phát triển kinh tế thị trường.
Thẩm quyền còn hạn chế
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) phản ánh hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao trong khi cả nước có tới 478 đầu mối các cơ quan chuyên trách về PCTN. Nguyên nhân do các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng. Khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, chậm được làm rõ kết luận và xử lý. Vì thế, đề nghị bổ sung các quy định xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hệ thống cơ quan PCTN và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là trong việc kiểm soát biến động về tài sản thu nhập, xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập.
ĐB Hoàng Quang Hàm thì cho rằng phải quy trách nhiệm cho các cơ quan trong trường hợp đã thanh tra, kiểm toán nhưng vẫn bỏ lọt hành vi tham nhũng.
Bình luận (0)