Sau chặng đường khoảng 250 km từ TP Thanh Hóa ngược rừng lên Mường Lát, chúng tôi dừng chân ở Cổng Trời Trung Lý. Mường Lát là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.
Chân trần đến lớp
Trong căn nhà của tổ liên ngành ở bản Khằm 1, thuộc Đồn Biên phòng Trung Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), các cán bộ Lê Xuân Tĩnh và Lê Văn Thường đón chúng tôi.
Biết chúng tôi muốn vào thăm bản xa nhất của xã Trung Lý, những người lính biên phòng gật đầu đồng ý và đưa chúng tôi vào Cò Cài. Đây là một trong những bản khó khăn, xa nhất của xã Trung Lý.
Gian nan con đường vào bản Cò Cài
"Xã Trung Lý có 15 bản. Trong đó, 11 bản có đồng bào Mông và 4 bản có đồng bào Thái sinh sống. Hiện nay, Trung Lý có 8 bản chưa có điện. Đường vào các bản Cò Cài, Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm... rất khó khăn. Từ bản Pá Quăn vào Cò Cài gần 15 km, đường cơ bản đã được đổ bê-tông nhưng vẫn hiểm trở, một bên là vực sâu, một bên là đồi rừng và còn gần 5 km là đường đất. Thời tiết nắng ráo thì mất 1 giờ để đến Cò Cài, mưa thì chịu, không biết đến bao giờ. Thương nhất là các em học sinh, đường sá đi lại vất vả nên đến lớp, đến trường cũng vất vả hơn" - cán bộ biên phòng vừa dẫn đường vừa nói với tôi.
Chúng tôi dừng chân ở Trường Tiểu học Trung Lý 2. Trường nằm cheo leo bên sườn đồi. Tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp. Những đứa trẻ chơi với nhau ngoài sân ùa vào lớp. Tiếng cười ríu rít. Nhiều em chỉ có manh áo cộc, đôi chân trần đến lớp.
Phụ thuộc vào nương rẫy
Gặp phó bản Cò Cài Vi Văn Ngoan, anh cho biết bản có 118 hộ, trong đó có 78 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đời sống bà con phụ thuộc vào nương rẫy, trồng lúa nước, khai thác lâm sản như tre, luồng.
Cò Cài chưa có điện, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng đến công tác giáo dục. Học sinh tiểu học và mầm non học tại bản, còn học sinh THCS và THPT phải ra trung tâm xã cách 20 km hoặc lên huyện học. Bản tự hào có bác sĩ Hà Thị Sanh là người con đầu tiên của bản Cò Cài đi học THCS, THPT rồi vào đại học. Hiện bác sĩ Sanh đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, là niềm tự hào của bà con trong bản, là tấm gương cho học sinh Cò Cài noi theo.
Câu chuyện của phó bản Vi Văn Ngoan kể khiến tôi chú ý về Hà Thị Sanh. Ở mảnh đất nghèo, xa xôi như ở Cò Cài, lo được cái ăn cái mặc đã khó chứ nói gì đến việc cho con cái đến trường, đến lớp và theo học lên đại học như bác sĩ Sanh. Bởi vậy, lời giới thiệu của phó bản khiến tôi muốn gặp bác sĩ trẻ này.
Bác sĩ Hà Thị Sanh khám sàng lọc để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường Tiểu học Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát
Đem theo câu chuyện ở Cò Cài, chúng tôi về Trung tâm Y tế huyện Mường Lát. Bác sĩ Hồ Văn Trọng, giám đốc trung tâm, niềm nở chào khách. Những ngày này, trung tâm đang bận rộn chuẩn bị cho đợt tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho các em từ 5 đến 12 tuổi.
Khi biết chúng tôi vừa ở bản Cò Cài trở về và mong muốn gặp bác sĩ Hà Thị Sanh, bác sĩ Hồ Văn Trọng gật đầu đồng ý, rồi kể: "Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát có 33 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 8 bác sĩ. Bác sĩ Hà Thị Sanh là thế hệ đầu tiên của huyện Mường Lát đi học đại học y. Sau khi tốt nghiệp trở về quê hương và gắn bó với trung tâm này từ năm 2017 đến nay".
Bác sĩ Hồ Văn Trọng nhận xét trong quá trình thực hiện công việc, bác sĩ Hà Thị Sanh rất năng nổ nhiệt tình, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu để phục vụ người dân Mường Lát. Đặc biệt, trong đợt phòng chống dịch Covid-19, bác sĩ Sanh cùng đồng nghiệp đi tiêm chủng, xét nghiệm tầm soát cả ngày lẫn đêm. Mặc dù con trẻ nhưng đã gác lại chuyện gia đình, nỗ lực cùng đồng nghiệp dập tắt dịch bệnh. Bác sĩ Sanh là người có chí tiến thủ, là đảng viên, gánh vác thêm công tác Đoàn. Hiện gia đình bác sĩ Sanh đang ở trong khu tập thể của trung tâm.
"Đấy. Mình chỉ nhận xét chung chung về bác sĩ Sanh như thế để nhà báo nắm được. Còn muốn tìm hiểu thêm về bác sĩ Sanh, lát nữa các bạn sẽ gặp. Mình tin các bạn sẽ ấn tượng về bác sĩ trẻ này" - bác sĩ Hồ Văn Trọng nói.
Quả vậy, gặp bác sĩ Hà Thị Sanh là tôi ấn tượng ngay. Dáng cô nhỏ nhắn, nước da trắng và khuôn mặt thanh tú.
Chia sẻ về con đường trở thành bác sĩ, Hà Thị Sanh cho biết thời còn đi học, cơm ăn áo mặc là chuyện rất khó nên hầu hết ở bản Cò Cài, các bạn đồng lứa chỉ học đến nửa chừng. Không cam chịu cuộc sống nghèo khó và mong muốn được học cái chữ để sau này có thể thoát khỏi lũy tre làng, Sanh quyết chăm chỉ học hành.
Ao ước được làm bác sĩ
Từ Cò Cài đến trung tâm huyện gần 50 km trèo đèo lội suối và đi đò qua sông Mã. Khó khăn ấy không cản được bước cô trên con đường học tập. Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Thái Bình năm 2016, năm 2017 cô về công tác tại Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm - Y tế công cộng và Dinh dưỡng.
Khi được hỏi lý do vì sao chọn nghề y và chọn trở về quê hương, bác sĩ Hà Thị Sanh cho biết cô là con út trong gia đình có 4 anh chị em, chỉ duy nhất mình cô theo cái chữ chứ anh chị đều lập gia đình sớm và gắn bó với nương rẫy. Hồi Sanh còn đi học, bố ốm rất lâu, bệnh tim ngày càng nặng nhưng đường sá lại khó khăn, muốn đi bệnh viện cũng khó. Hơn nữa, nghèo đói nên không đủ kinh phí chữa bệnh cho bố.
Bác sĩ Hà Thị Sanh đang làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Mường Lát
Cùng với đó, Sanh chứng kiến cảnh khó khăn khi bà con ốm đau. Phụ nữ ở trong bản đến thời kỳ sinh đẻ không được đi siêu âm, khi sinh thì sinh tại nhà, nhiều trường hợp cả mẹ và con đều tử vong. Lúc ấy, Sanh ao ước mình được làm bác sĩ với ý nghĩ đơn giản là sẽ tiêm thuốc được cho bố và giúp được bà con mỗi khi ốm.
Năm 2016, khi Sanh học năm cuối đại học thì bố mất. Điều day dứt trong cô gái trẻ là chưa kịp đem kiến thức, chuyên môn của mình để giúp bố thì bố đã ra đi vì bệnh tật. Bố mất, chỉ còn mẹ và nghĩ đến quê hương còn nhiều khó khăn, Sanh đã quyết định trở về quê hương.
Mong tiếp tục được cống hiến
Những ngày này, bác sĩ Hà Thị Sanh vừa thực hiện chỉ đạo tuyến tại xã Mường Chanh, tham gia công tác tiêm vắc-xin ở các bản, xã trên địa bàn huyện vừa thực hiện công tác chuyên môn ở Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm - Y tế công cộng và Dinh dưỡng.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn, bác sĩ Sanh nhớ thời điểm cuối năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả cán bộ, nhân viên trung tâm đều phải đi cơ sở.
Mặc dù chưa hết thời gian nghỉ thai sản khi sinh con đầu lòng, cô vẫn đề xuất với lãnh đạo trung tâm được đi làm sớm, tham gia trực rồi đi cơ sở. Khi con trai tròn 1 tuổi cũng là thời điểm dịch bùng phát ở Mường Lát. Gác lại công việc gia đình, con nhỏ, cô tham gia phòng chống dịch và cả chỉ đạo tuyến.
Nhớ ngày 16-12-2021, sau khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên, Mường Lát nhanh chóng trở thành một tâm điểm dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, lực lượng y tế căng mình bám bản. Cán bộ y tế đến từng nhà xét nghiệm tầm soát, ngày đêm đi vận động bà con test nhanh vừa thực hiện tiêm vắc-xin. Trước khi tiêm vắc-xin, cán bộ y tế chỉ đạo tuyến như cô đều phải về nằm vùng, vận động họp dân bản, thông báo thời gian tổ chức tiêm. Vậy mà đến giờ tiêm thì bà con vẫn đang trên rẫy.
Chia tay chúng tôi, bác sĩ Hà Thị Sanh nói so với các địa phương khác, Mường Lát vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, dân trí của bà con, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa còn thấp.
"Em chỉ mong sẽ tiếp tục được làm việc, cống hiến, đem nhiệt huyết của mình để đóng góp một phần trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân" - bác sĩ Sanh bộc bạch.
Hiện nay, ngoài bác sĩ Hà Thị Sanh, bản Cò Cài đã có thêm một em noi theo Sanh học hết đại học và trở thành cô giáo quay về quê hương dạy học. Bác sĩ Hà Thị Sanh cũng nhận đỡ đầu người cháu ruột đang theo học ngành công an.
Bác sĩ Hà Thị Sanh nói giá có con đường thuận lợi hơn thì đường đến trường của các em sẽ bớt gập ghềnh hơn; bà con muốn đi lại, giao thương, chữa bệnh cũng thuận lợi hơn.
Bình luận (0)