Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu
Sáng 4-12, trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, ông Trần Quang Chiểu nhấn mạnh: Cái gì chưa đúng thì phải sửa.
- Phóng viên: Thưa ông, trạm thu phí BOT Cai Lậy được cho là đang đặt sai vị trí. Vậy việc đề nghị di dời trạm thu phí này từ Quốc lộ 1 (QL1) hiện nay về tuyến tránh là hợp lý?
+ Ông Trần Quang Chiểu: Về mặt nguyên tắc, dự án làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Làm dự án ở đâu thì thu phí ở đó. Dự án BOT, về nguyên tắc tối cao là phải để cho dân có quyền lựa chọn. Vậy dự án này có làm theo nguyên lý đó không?
Thực tế nhiều trạm BOT thực hiện không đúng nguyên lý, làm dự án một chỗ nhưng lại đặt trạm thu phí một chỗ khác.
- Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ PPP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết không chỉ Cai Lậy, hiện trên Quốc lộ 1 có 7 trạm thu phí BOT khác tương tự như Cai Lậy, nếu mua lại thì phải mua cả 7 trạm, ước tính khoảng 8.500 tỉ đồng. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, đề xuất này không khả thi. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
+ Tiền đâu phải do Bộ GTVT lo. Nhà nước lo mà. Nếu nhà nước quyết định được thì nhà nước lo được. 8.500 tỉ đồng, quả thực là một số tiền rất to nhưng cũng không phải là lớn đối với quốc gia này. Vấn đề là đúng thì thôi.
Chúng ta đừng vin vào vấn đề ngân sách khó khăn hay nợ công. Như năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước chi 1,5 triệu tỉ đồng. Đây đâu phải là ít. Cho nên việc Bộ GTVT nói không có tiền chỉ là một phía. Quan trọng nhất là chi đúng hay không. Nếu sai thì một đồng cũng không chi, nhưng nếu đúng và cần thiết thì một triệu đồng vẫn phải chi. Tư tưởng này Bác Hồ đã nói từ thời kháng chiến.
- Vậy thưa ông, cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết BOT Cai Lậy như thế nào cho thuận lòng dân?
+ Câu chuyện BOT phải làm theo đúng nguyên lý, cái gì không đúng, trước sau phải trở về đúng. Nếu chỉ giải quyết vấn đề BOT một cách vá víu, thì có thể ví câu chuyện BOT đang như chiếc săm xe bị thủng nhiều chỗ. Anh vá chỗ này thì nó sẽ bục chỗ khác.
Cho nên cách tốt nhất là phải thay cái săm ấy đi. Chúng ta không thể giải quyết chính sách theo kiểu vá víu. Chính sách không hợp lý thì phải điều chỉnh.
- Việc miễn, giảm phí ở BOT Cai Lậy có giải quyết được vấn đề không, thưa ông?
+ Tại sao lại miễn, giảm? Nó có đúng nguyên lí hay không? Nếu coi dự án BOT đó là hàng hóa, thì ai mua hàng mới phải trả tiền, không mua thì không phải trả tiền. Vậy người ta không mua hàng (không đi đường nhà đầu tư làm) mà vẫn phải trả tiền, thì việc miễn, giảm có đúng nguyên lý đó không? Do vậy, việc miễn, giảm phí qua trạm cũng chỉ là giải quyết theo kiểu vá săm xe đang bị thủng mà thôi.
Bình luận (0)