Qua lời kể của nhiều người, từ lâu, không chỉ là lưu giữ một nét văn hóa, nuôi heo ngày trước còn để đảm bảo nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn, được ăn ngon ngày Tết. Vào dịp Tết, hàng xóm hay họ hàng sẽ rủ nhau làm thịt chung một con heo rồi chia phần. Vì vậy, con heo là bạn của người chăn nuôi bao đời nay, nó hiện lên hình ảnh chắt chiu cần mẫn. Song, bây giờ cái khó của chuyện nuôi heo là làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không kể việc nuôi heo lẻ tẻ, bán lẻ ăn chơi mà nuôi heo để xuất khẩu hoặc cung cấp cho thị trường lớn. Yêu cầu trước hết, đó là làm thế nào để có thịt heo sạch.
Việc chăn nuôi heo ngày nay gặp rất nhiều khó khăn từ giá cả thức ăn đến dịch bệnh
Là người có kinh nghiệm nuôi heo lâu năm, ông Ngô Phi Dũng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo Phú Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), nhớ lại: "Cách đây một phần tư thế kỷ, lúc này tôi còn nhỏ, mỗi khi đi học về thăm nhà là lon ton xuống thăm chuồng heo xem có tiếng ụt ịt không. Nếu heo nái đẻ được nhiều con thì mừng vì sẽ có ít tiền mua sách vở ăn học. Còn nếu heo chỉ sinh một đến 2 con, thì coi như phải lo lắng chuyện tiền nong".
Bây giờ ở quê, nông nghiệp tiến bộ hơn, vì các nhà máy mọc lên nên người dân dần bỏ việc chăn nuôi. Còn nếu nhà nào tiếp tục duy trì thì đều chuyển sang mô hình trang trại, tức là nuôi cả đàn heo để bán cho thương lái xuất khẩu chứ không chỉ nuôi 2 - 3 con như ngày trước. Heo ngày xưa nuôi cả năm mới đủ lớn để làm thịt, vì thức ăn của chúng chỉ là cám, rau, cháo, hèm rượu… nhưng thịt rất ngon. Còn bây giờ heo "lên đời" khi ăn thức ăn chăn nuôi nên nuôi chỉ 2 - 3 tháng đã "ngót nghét" gần cả tạ.
Nuôi heo ngày xưa cho ăn độn thêm rau, cải nhưng thịt heo rất thơm ngon
Hơn nữa, ngày trước nuôi heo thường thả rong trong vườn nhà cho heo tự tìm thêm thức ăn là rau, cỏ… nhưng chúng ít bị dịch bệnh, thịt lại thơm lừng. Còn bây giờ nuôi heo, dịch bệnh hoành hành và giá cả thức ăn "nhảy múa" khiến người nuôi thấy "ngán".
Có thể thấy, bây giờ người tiêu dùng đi chợ mua thịt heo về dùng rất khó có thể tìm cho thịt heo ngon. Vì ngày xưa, kho thịt heo không cần luộc qua nước sôi, còn bây giờ trước khi chế biến thịt hay xương đều phải luộc sơ nhưng thịt vẫn không thể thơm, cái vị thơm ngọt thuần khiết thuở xưa hiếm còn nữa.
Thực tế, bây giờ hẳn là có rất nhiều người đang có nhu cầu được ăn thịt heo sạch, nhất là vào dịp Tết. Vẫn biết rằng trên thị trường đã có các cửa hàng đạt chuẩn GAP, ORGANIC nhưng không phải lúc nào người dân cũng đủ tài chính để chi tiêu ở các cửa hàng đó. Nhưng ngày Tết thì chắc chắn không ai tiếc tiền để mua được thực phẩm ngon, an toàn để thết đãi người thân và thờ cúng tổ tiên. Có những người đi vào cửa hàng dán chuẩn GAP, ORGANIC mà vẫn chưa tin thực phẩm mình mua là an toàn. Không lẽ cứ gần đến Tết lại mua heo về tự nuôi để khi cần lại có mà dùng, còn nếu thuê một người quen nuôi heo với hợp đồng rõ ràng thì hẳn ai cũng tin, và cái Tết mà có thực phẩm ngon sạch trong nhà thì vui hơn biết bao, an tâm hơn biết bao.
Con heo ngày xưa như "người bạn" của mỗi nhà
Thế nên tự dưng nảy sinh ra một cách làm ăn mới cho những người vẫn gắn bó với nông nghiệp. Vì ngày thường họ vẫn cứ nuôi một số lớn theo hướng công nghiệp để đáp ứng số lượng xuất ra thị trường. Nhưng đến khi gần Tết thì đi hợp đồng với các gia đình có nhu cầu ăn heo sạch để nuôi thuê. Tất nhiên sẽ có những hợp đồng rõ ràng, để chắc chắn rằng khi gần Tết thì có người bắt heo với giá cao hơn giá công nghiệp…
Còn bây giờ, heo hay bị dịch bệnh và giá cả thức ăn chăn nuôi luôn "nhảy múa" khiến người nuôi cảm thấy "ngán" nuôi
Theo ông Ngô Phi Dũng: "Tết của người Việt thì không thể thiếu thịt heo dù bây giờ có muôn thứ thực phẩm thượng hạng khác. Nhất thiết ngày Tết Việt thì phải có chút thịt heo để cúng tổ tiên, làm nem thính hoặc nem chua, đòn chả đầu gân… Vì vậy, thời gian tới, để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, HTX sẽ chú trọng nuôi heo theo hướng sạch, tiến đến đăng ký chuẩn VietGAP".
Bình luận (0)