Đó là thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam công bố vào cuối tháng 5-2018. Hiện cả nước có hơn 6 triệu lao động độ tuổi từ 18-30 làm việc trong các KCN, 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các KCN bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Theo điều tra của Viện Công nhân (CN) và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), bình quân độ tuổi của CN trong các doanh nghiệp (DN) là 31,2 tuổi, thời gian trung bình CN làm cho DN chỉ 6 - 7 năm. Dễ dàng nhận ra DN chỉ muốn sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ - khỏe nhất, còn đối với những NLĐ từ 35 tuổi trở lên, cơ hội việc làm cho họ ở DN hầu như đã hết.
Chiêu thức "sa thải mềm" này là điển hình của sự nghiệt ngã trên thị trường lao động. DN loại trừ lao động không gia tăng được năng suất, giảm được chi phí lương, các loại bảo hiểm. Lợi ích của DN được bảo đảm nhưng gánh nặng an sinh lại đẩy sang cho xã hội. NLĐ còn sức lực nhưng phải ra đi với tay trắng, không có tích lũy, không thể tìm được việc làm mới ở các khu vực quan hệ lao động. Từ đó họ sẽ quay về làm công việc tự do, buôn bán, nội trợ, làm ruộng và bán hàng rong… Không tiếp tục tham gia đóng BHXH, BHYT, đồng nghĩa với việc không có sự bảo đảm về an sinh xã hội trong tương lai.
Phải thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng thị trường lao động, an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực xã hội. Mới 35 tuổi đã phải ra khỏi khu vực có quan hệ lao động là rất lãng phí, cộng thêm những tác động lên đời sống của họ và các quan hệ xã hội. Không ít NLĐ bị sốc, khủng hoảng về tâm lý, tinh thần… Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho biết có 27,0% NLĐ bị "bất ngờ" khi cầm quyết định nghỉ việc, 11,9% bị "khủng hoảng"… Riêng với lao động nữ (LĐN) tuổi từ 35 trở lên bị mất việc, hệ lụy kéo theo là bất ổn về tài chính, gánh nặng kinh tế cho gia đình, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, đời sống tinh thần thấp, đánh mất vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội, mặc cảm trong giao tiếp, nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe cực kỳ cao...
Làm gì để kéo dài thời gian làm việc cho NLĐ, sát với thiết kế các chế định pháp luật và chính sách xã hội? Làm gì để tuổi nghề CN không quá ngắn đến mức ngỡ ngàng? Theo các chuyên gia lao động, cần sửa đổi về pháp luật với những ràng buộc nhằm giữ cho NLĐ có việc làm lâu dài hơn. Các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có những điều chỉnh ràng buộc DN sử dụng lao động sau 35 tuổi. Hơn nữa, từng chủ DN phải thể hiện trách nhiệm xã hội qua đối xử với NLĐ. Hạn chế thấp nhất tình trạng sử dụng lao động kiểu "vắt chanh bỏ vỏ", tìm cách giữ lại những NLĐ đã nhiều năm gắn bó. Với NLĐ, cần nâng cao tay nghề và hiểu biết về pháp luật để việc làm được bảo đảm tốt hơn, không lựa chọn "trợ cấp một lần" nếu còn nghĩ đến việc trở lại thị trường lao động và có quyền lợi lâu dài hơn về an sinh xã hội.
Bình luận (0)