Theo số liệu của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến cuối năm 2015, đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An có 179 hộ với 856 nhân khẩu. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, văn hóa truyền thống bị mai một và đang bị đồng hóa nhanh, ngôn ngữ gần như đã bị mất.
Nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Ơ Đu, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025". Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định về việc triển khai đề án này, với tổng kinh phí 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương cấp 90% và ngân sách đối ứng địa phương là 10%.
Một căn nhà sàn của người Ơ Đu tại xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) có kinh phí 61,6 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỉ đồng. Đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) của huyện Tương Dương, do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Ngày 23-4-2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An năm 2019 dựa trên nguồn kinh phí ban đầu do ngân sách trung ương hỗ trợ là 28,18 tỉ đồng.
Theo đề án, bản Đửa có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu. Điều đáng nói là sau khi danh sách được lập, qua kiểm tra của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát hiện tại bản này không có người Ơ Đu nào sinh sống. Vì vậy, ngày 30-9-2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đưa bản Đửa ra khỏi danh sách hỗ trợ của đề án.
Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết số liệu người Ơ Đu tại bản Đửa, xã Lượng Minh là do huyện Tương Dương cung cấp, xây dựng. Chỉ sau khi xây dựng đề án, tiến hành kiểm tra thực tế, thấy có sự bất cập nên cơ quan này mới đề nghị đưa bản Đửa ra khỏi đề án.
Bình luận (0)