Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM Lê Minh Tấn cho biết từ ngày 6-8, các cơ quan hữu trách TP HCM đến từng hộ, từng nhà trọ trao tiền trực tiếp cho người nghèo là đối tượng thụ hưởng gói cứu trợ đột xuất 1.000 tỉ đồng, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu TP.
Gọi ngay tổng đài 1022
Nhiều bạn đọc đã phản ánh đến Báo Người Lao Động, mặc dù họ gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng không được hỗ trợ theo chính sách. Vậy trong trường hợp người lao động, công nhân, người dân gặp khó khăn không được hỗ trợ kịp thời phải làm gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em Việt Nam nói: "Trong thời gian TP HCM căng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19, các lực lượng công vụ từ tổ dân phố đến phường, xã, cảnh sát khu vực và lực lượng tuyến đầu đã làm rất nhiều công việc khác nhau. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, bà con khi thuê phòng trọ thì phải đăng ký tạm trú đầy đủ với cảnh sát khu vực, với địa phương nơi cư trú để khi có hữu sự thì việc thực thi sẽ được nhịp nhàng hơn và quyền lợi được đảm bảo".
Báo Người Lao Động hỗ trợ gạo và thực phẩm một hộ gia đình có 8 F0 ở huyện Hóc Môn, TP HCM
Theo bà Lê Thị Thu, việc không đăng ký tạm trú cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề an ninh trật tự ở địa phương. Không đăng ký tạm trú cũng có thể dẫn đến tổ trưởng tố dân phố, khu phố sẽ không thể nắm danh sách của các hộ đang lưu trú ở các khu nhà trọ.
Do đó, trường hợp người dân chưa được hỗ trợ kịp thời theo chính sách của TP HCM thì cần liên hệ ngay với tổ trưởng, cảnh sát khu vực để được bổ sung danh sách. Trường hợp nếu đã đăng ký đầy đủ nhưng vẫn không được hỗ trợ theo quy định thì người dân gọi đến tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin.
Tổng đài 1022 hoạt động 24/24 và xuyên suốt, khi bà con gọi đến sẽ được tiếp nhận các phản ánh; cho phép người dân theo dõi được quá trình xử lý; nhận được thông báo về kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố; người dân đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp thực tế sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng.
Mô hình phản ứng nhanh ở quận 12
Lãnh đạo UBND quận 12 (TP HCM) cho biết khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì nhiều công nhân, người lao động đã trở về quê nhà. Trong số 50.000 công nhân, lao động thì nhiều người vẫn còn đang lưu trú tại các khu trọ.
Nhằm giúp đỡ khẩn cấp những trường hợp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, UBND quận 12 đã thành lập Đội Phản ứng nhanh tiếp nhận thông tin của người dân. Bất kỳ người lao động, công nhân, các hộ dân sinh sống trên địa bàn gặp vấn đề khó khăn khi gọi đến tổng đài sẽ được Đội Phản ứng nhanh tiếp nhận thông tin sau đó chuyển về các phường để xác minh ngay.
Mỗi ngày Đội Phản ứng nhanh quận 12 nhận được hơn 200 cuộc gọi của người dân nhờ giúp đỡ. Trong đó không ít người dân gọi đến chỉ để thăm dò Đội Phản ứng nhanh có hành động kịp thời hay không. Nhiều trường hợp khi gọi đến nhờ giúp đỡ, UBND quận 12 đã nhanh chóng xác minh và trợ giúp ngay.
Mới đây, thông qua tổng đài 1022, UBND phường Hiệp Thành (quận 12) đã vào cuộc, cử người đến tổ dân phố xác minh yêu cầu trợ giúp của 16 người lao động bị mất thu nhập. Tất cả 16 người này gửi phản ánh vì cho rằng chưa nhận được cứu trợ theo Nghị quyết 09.
Sau khi nhận phản ánh từ Đội Phản ứng nhanh, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành đã cử người xuống tận nơi tìm hiểu. Theo đó, 4 người đã được lập danh sách chờ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09, và 12 người còn lại đã được khu phố lập danh sách theo Công văn 24263 của Sở LĐ-TB-XH TP HCM về lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - ngoài 6 nhóm công việc theo Công văn 2209 của UBND TP. Nhờ phản hồi kịp thời mà nhiều người đã yên tâm và không gọi những nơi khác cầu cứu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cho biết: "Để trợ giúp khó khăn cho người dân, phường đã thành lập tổ an sinh xã hội tiếp nhận những phản ánh của người dân qua tổng đài 1022 của Đội Phản ứng nhanh cũng như các cổng thông tin khác như Zalo, Facebook. Sau khi tiếp nhận, thông tin sẽ được chuyển về tổ an sinh xã hội, liên quan đến tổ nào, khu phố nào sẽ xác minh nhanh. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ trợ giúp kịp thời, còn không đúng thì giải thích cho người dân hiểu và phản hồi lại cho nơi cung cấp thông tin".
Báo Người Lao Động thăm và hỗ trợ chốt kiểm dịch ở quận 12, TP HCM
Theo ông Lâm Quân Minh Vương, phường đã chỉ đạo các khu phố cũng như vận động người dân thông tin những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ mà chưa được xem xét thì báo về phường. Sau khi nhận thông tin, phường sẽ xuống tận nơi để xác minh, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, phường Đông Hưng Thuận (quận 12), tổ an sinh xã hội phản ứng nhanh của phường còn lập các đội đi chợ giúp người dân khu vực phong tỏa.
"Mỗi tuần các đội sẽ có 2 ngày đi chợ thay cho người dân. Riêng vấn đề y tế, trạm y tế phường phân công nhân viên xuống tận nơi ngoài khu vực phong tỏa tư vấn về sức khỏe cũng như thắc mắc của người dân. Riêng trong khu vực phong tỏa, trạm y tế phường cũng bố trí 2 nhân viên trực điện thoại 24/24 để hỗ trợ y tế và chuyển thông tin cho nhân viên xuống thăm khám" - ông Vương thông tin.
Ngoài ra, ông Lâm Quân Minh Vương cho biết thêm nhiều hộ dân khi biết mình là f0 đã gọi điện đến phường. Nếu trường hợp nhẹ thì phường sẽ tư vấn cho các hộ dân không ra khỏi nhà, theo dõi sức khỏe và chờ lực lượng y tế đến hướng dẫn cụ thể. Riêng những trường hợp nặng cần đi cấp cứu hoặc đi cách ly thì phường có xe cấp cứu chở người dân đến bệnh viện.
Đáng chú ý, trong đêm 3-8 xe cấp cứu của phường Đông Hưng Thuận (quận 12) đã chuyển 5 trường hợp F0 ở phường Tân Hưng Thuận (quận 12) đến bệnh viện.
Bình luận (0)