Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-7 bằng hình thức trực tuyến, phóng viên Sputnik nêu câu hỏi: Phát biểu tại triển lãm MAKS 2021, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Yuri Borisov cho biết máy bay siêu âm hạng nhẹ Su-75 Checkmate mới chủ yếu hướng tới thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Châu Phi. Xin Người Phát ngôn cho biết Việt Nam có kế hoạch mua loại máy bay này không? Nếu có thì mua phiên bản nào?
Mẫu Checkmate Su-75 của Nga. Ảnh: ITN
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi chưa có thông tin về việc này. Nhưng cũng có thể nói thêm là Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Do đó, việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để củng cố năng lực quốc phòng và phục vụ công tác huấn luyện của quân đội".
Ngày 20-7, tại ngoại ô Moscow (Nga) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Hàng không - Vũ trụ quốc tế lần thứ 15 (MAKS-2021), một trong những triển lãm hàng không lớn nhất thế giới. Lần này, Nga đã ra mắt mẫu máy bay chiến đấu chiến thuật một động cơ đa năng hạng nhẹ thế hệ thứ năm - Su-75 Checkmate (Chiếu tướng), do nhà sản xuất máy bay Sukhoi của Nga chế tạo.
Su-75 Checkmate tại Triển lãm Hàng không - Vũ trụ quốc tế lần thứ 15 (MAKS-2021) - Ảnh: PolitExpert
Theo thiết kế, Su-75 Checkmate có thể mang tải trọng chiến đấu tối đa 7.400 kg, tầm bay khi không có thùng nhiên liệu bên ngoài là 2.900 km. Máy bay ứng dụng công nghệ tàng hình và được trang bị tới 5 tên lửa không đối không ở nhiều tầm bắn khác nhau hoặc các loại vũ khí khác. Checkmate cũng trang bị hệ thống phòng thủ và chế áp điện tử trên không hiện đại, cho phép máy bay tránh các thiết bị phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, cùng với radar mảng ăng ten hoạt động theo giai đoạn (AFAR).
Checkmate dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2023, có giá khoảng từ 25-30 triệu USD với 3 phiên bản: Không người lái, 1 người lái (đơn) và 2 người lái (đôi). Mức giá này được đánh giá là rẻ hơn rất nhiều so với các mẫu tiêm kích tương tự của nước khác.
Theo TASS, đây sẽ là mẫu máy bay tàng hình một động cơ đầu tiên của Nga, có thể vừa làm nhiệm vụ tấn công, vừa trinh sát tầm thấp
Tuân thủ luật pháp quốc tế
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc vừa qua, Anh tuyên bố cử 2 tàu chiến đến hoạt động thường xuyên tại các vùng biển của châu Á, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bình luận (0)