Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng người Trung Quốc (TQ) mua đất đai, nhà cửa ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) diễn ra khá phức tạp thì mới đây, văn phòng Thừa phát lại (TPL) Nha Trang cho biết sẽ đứng ra làm vi bằng cho các trường hợp người Việt đứng tên cho người nước ngoài mua bán bất động sản.
Vi bằng hay lách luật?
Trong vai khách hàng muốn lập vi bằng cho người TQ mua nhà đất, chúng tôi tiếp cận một văn phòng TPL ở TP Nha Trang. Nhân viên ở đây cho biết việc nhờ người đứng tên mua nhà đất văn phòng này đã làm vi bằng cho nhiều người, chủ yếu là giữa người Việt và người Việt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do người nước ngoài mua nhà đất nhiều nên mới nhận làm dịch vụ này cho cả người nước ngoài.
Theo đó, nhân viên TPL sẽ làm một thỏa thuận cam kết giữa người Việt đứng tên và người nước ngoài. TPL sẽ quay phim, ghi âm, chụp ảnh các thỏa thuận này để làm xác lập bằng chứng. "Chúng tôi sẽ theo dõi toàn bộ quá trình làm thỏa thuận, ký kết giữa các bên để làm bằng chứng. Các thỏa thuận, bằng chứng sẽ được nộp cho Sở Tư pháp để có giá trị pháp lý, phòng trường hợp xảy ra tranh chấp thì người nước ngoài có thể bảo vệ quyền lợi" - người này cho biết.
Chúng tôi thắc mắc về tính pháp lý vì người nước ngoài không được phép mua bán, giao dịch bất động sản trừ một số trường hợp luật pháp đã quy định, nhân viên TPL này khẳng định việc làm vi bằng là không sai. Khi xảy ra tranh chấp có thể dùng vi bằng này để thỏa thuận, kiện ra tòa hoặc đưa ra trọng tài quốc tế. Người này cũng báo giá việc làm vi bằng tùy thuộc vào giấy tờ, sổ sách, giá trị giao dịch. Đất đai có giá trị lớn thì phải cần 7-10 triệu đồng/lần làm vi bằng.
Một người Trung Quốc ngụ ở ngôi nhà này (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) nhiều tháng qua.
TPL Nha Trang quảng bá để làm vi bằng khi "hợp tác" với người Trung Quốc
Nói về việc TPL đứng ra làm chứng cho những thỏa thuận giữa người Việt và người nước ngoài, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Khánh Hòa nhận định đó là hành vi lách luật. Bởi vì nếu làm hợp đồng thì buộc phải ra công chứng nhưng không văn phòng công chứng nào dám chứng cho hợp đồng trái pháp luật như vậy. Tuy nhiên, TPL chỉ được phép lập vi bằng cho hành vi đúng pháp luật chứ không phải lập vi bằng cho hành vi cấm.
Trong khi đó, ông Trần Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, cho rằng các hoạt động của TPL căn cứ vào Nghị định 61, 135 của Chính phủ quy định nhưng ở dạng hoạt động thí điểm, văn bản chính thức chưa đầy đủ nên các nội dung liên quan cần kiểm tra, xem xét lại.
Về tận làng, xã sinh sống
Hiện nay ở TP Nha Trang, người TQ không chỉ hiện diện ở đô thị mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô để sinh sống. Cách trụ sở UBND xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang không xa là một căn nhà 3 tầng kín cổng cao tường, hằng ngày có nhiều tốp người TQ ra vào nói chuyện rôm rả.
Ở xã Vĩnh Trung, nhiều người TQ thuê nhà ở hợp tác làm ăn với người Việt rồi lưu trú tại địa phương. Như trường hợp doanh nghiệp Đ.T.P (thôn Võ Cang) có 5 người TQ trú ngụ tại đây làm ăn, thậm chí định mua lại cổ phần để hoạt động lâu dài. Tại căn nhà ở đường Nguyễn Khoái (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang), một số người TQ cũng đang trú ngụ để làm việc cho tiệm bán quần áo ở đường Điện Biên Phủ…
Bà H.Q, giám đốc một công ty môi giới nhà đất, cho biết tình trạng người TQ thuê nhà ở TP Nha Trang rất phổ biến, những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng hoặc thu mua hải sản.
Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các thành phần này. Ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, cho biết có một nhóm người TQ thuê nhà ở địa phương. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì. Khi hỏi chủ nhà thì người này cho biết chỉ hợp đồng với một người Việt thuê nguyên căn, còn người này dẫn người TQ về ở. "Có khả năng là người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ. Việc kiểm tra rất khó. Chúng tôi đã báo với công an TP, thời gian tới mới có thể kiểm tra, nắm lại được" - ông Tuấn giãi bày.
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết đã cử một tổ công tác đi đến các xã, phường trên địa bàn, rà soát toàn bộ nhà nghỉ, khách sạn để quản lý việc cư trú. Qua đó, ghi nhận rất nhiều trường hợp người TQ cư trú ở xã Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp… Mới đây, có 2 trường hợp người TQ ở phường Vĩnh Hòa có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng đang được công an xử lý.
Những dấu hiệu bất thường
Ngày 26-2, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang rà soát lại 173 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Sở đang chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát có bao nhiêu doanh nghiệp đã bán cổ phần cho người TQ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh quản lý lao động nước ngoài. Sở dĩ phải làm như vậy vì hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nhận thấy điều bất thường là người Việt đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau đó trong thời gian rất ngắn đã chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Người nước ngoài tạo cớ lưu trú lâu dài tại Việt Nam mà không cần đăng ký visa và thực hiện các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu rà soát lại các thủ tục không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở cho người nước ngoài và doanh nghiệp trong nước lách luật và đề xuất trung ương điều chỉnh.
Tiếp tay người Trung Quốc gom đất: Lợi bất cập hại
Tình trạng người TQ gom đất thông qua người Việt Nam đứng tên giùm để hưởng "thù lao" trong các giao dịch kinh doanh bất động sản tại TP Nha Trang là vi phạm pháp luật và đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Các cơ quan quản lý tại địa phương cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời để hạn chế những bất ổn về kinh tế, an ninh xã hội.
Trừ trường hợp người TQ kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Còn việc bán nhà ở hoặc đứng tên giùm cho người TQ gom nhà đất là lợi bất cập hại. Đây là hành vi tiếp tay cho các giao dịch trái pháp luật của người TQ. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo, tranh chấp… thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm các bên sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thường là tội lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế …).
Vậy thì TPL có quyền lập vi bằng đối với việc đứng tên giùm người TQ mua nhà đất hay không? Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM, đây là tổ chức được thành lập để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định tại điều 6 Nghị định 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.
Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc người TQ gom mua nhà đất và nhờ người Việt đứng tên "giùm" là vi phạm điều cấm của luật pháp. Do đó, tôi cho rằng yêu cầu lập vi bằng phục vụ cho giao dịch không hợp pháp sẽ không được chấp nhận. Về nguyên tắc chung luật chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chứ không bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch trái luật.
LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa)
Bình luận (0)