Nhắc tới nhà báo Phan Quang là nhớ đến thế hệ vàng của báo chí cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, cùng những nhà báo nổi tiếng một thời: Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Hà Đăng. Ông được mọi người nể trọng, yêu quý không chỉ bởi những chức vụ từng trải qua mà bởi phong cách, phẩm chất, tấm gương của một nhà báo lớn.
Cả cuộc đời nhà báo Phan Quang gắn chặt với nghiệp viết. Nếu tính từ khi ông bắt đầu tham gia viết Báo Cứu Quốc năm 1948 đến nay, ông đã cống hiến 74 năm cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ở tuổi 94, ông vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ đọc - đi - nghĩ - viết.
Viết báo khi tuổi đôi mươi, nhà báo Phan Quang luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy: "Viết có hay người ta mới đọc". Ban đầu, ông làm phóng viên, viết Báo Cứu Quốc ở Liên khu IV, dọc theo dãy Trường Sơn từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Tháng 10-1954, ông được điều về Hà Nội làm phóng viên Báo Nhân Dân, gắn bó 28 năm. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông sống nhiều ở tuyến lửa khu IV, chuyên tâm nghiên cứu nhiều vấn đề về nông nghiệp - nông thôn và nông dân, là một nhà báo rất có uy tín trong lĩnh vực này.
Phục vụ đất nước, nhân dân, gia tài đồ sộ của nhà báo Phan Quang là hàng ngàn bài báo và hơn 50 tác phẩm văn học đã xuất bản. Nhà báo Phan Quang còn là một dịch giả. Tác phẩm "Nghìn lẻ một đêm" dịch từ tiếng Pháp được xuất bản hơn 40 lần, gắn bó với nhiều thế hệ. Là một nhà báo, ông may mắn luôn có mặt ở những điểm nóng, những sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Ông từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh... Nhà báo Phan Quang cũng đã lăn lộn ở nhiều chiến trường, theo sát các đoàn quân chiến đấu để ghi, chép, viết, phản ánh chân thực cuộc kháng chiến của dân tộc.
Ở tuổi 94, nhà báo Phan Quang vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ đọc - đi - nghĩ - viếtẢnh: NGÔ NHUNG
GS Hà Minh Đức đánh giá: "Anh là nhà báo lão thành, gạo cội, uyên bác. Là con nước chảy giữa báo chí và văn chương. Phan Quang là một nhà báo, nhà văn xuất sắc nối liền 2 thế kỷ. Sự nghiệp của ông không chỉ làm vẻ vang cho bản thân, gia đình, quê hương mà còn tạo nên vị thế, uy tín vẻ vang của nghề báo, nghề văn trong xã hội".
Còn PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định nhà báo, nhà văn Phan Quang là một tấm gương lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ, đồng thời là một chính khách, dịch giả tài năng, đa diện; người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu, thân thiết, tình cảm với đồng nghiệp, độc giả trong và ngoài nước. Dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang luôn lao động, sáng tạo, viết hàng ngàn bài phóng sự, phóng sự - điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn - vừa, tản văn, chính luận, nghiên cứu… góp phần làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam.
Một trong những điều mà nhà báo Phan Quang luôn trăn trở suốt những năm còn công tác cho đến ngày nay là vấn đề đạo đức báo chí. Theo ông, ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Ông nói: "Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức. Còn về nghiệp vụ, nếu có sai thì sửa, chẳng may vấp ngã thì ta đứng dậy, mình tự hỏi mình do đâu vấp ngã, rồi thanh thản tiến bước tiếp tục đi lên".
Đó cũng là lời khuyên quý báu mà thế hệ nhà báo trẻ chúng tôi phải thuộc lòng.
Tấm gương sáng của người làm báo
Nhà báo Phan Quang, tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Ông từng trải qua các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa V), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa VI)... Ông là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992), khóa IX (1992-1997) và khóa X (1997-2002).
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết khi là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang đã đưa ra quy ước đạo đức nghề nghiệp, nay phát triển thành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. "Nhà báo Phan Quang là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam" - ông Hồ Quang Lợi nhận xét.
Bình luận (0)