Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội (QH) về những nội dung liên quan đến việc đầu tư và khai thác công trình giao thông.
Đã loại bỏ 13 dự án BOT
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 (Nghị quyết 437) của Ủy ban Thường vụ QH về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã tập trung, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo đúng chỉ đạo của QH, Chính phủ.
Sửa chữa đường BOT hư hỏng trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM
Về rà soát chủ trương đầu tư các dự án BOT, đến nay Bộ GTVT đã rà soát, chủ động dừng 13 dự án (11 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy) không bảo đảm quyền lựa chọn của người dân theo Nghị quyết 437. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các nhà đầu tư công khai các thông tin về doanh thu, tổng thời gian thu phí còn lại... tại các trạm thu phí BOT để theo dõi, giám sát.
Về hoàn thiện pháp luật về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ông Nguyễn Văn Thể cho rằng thực tiễn cho thấy cần sớm xây dựng, ban hành Luật Đối tác công - tư, rà soát lại toàn bộ hệ thống nghị định, thông tư liên quan để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Điều này nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng; hoàn thiện khung pháp lý về hợp tác công - tư theo hướng minh bạch, ổn định và bình đẳng.
Chưa có cách xử lý tối ưu
Về rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung rà soát, kiến nghị những giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT tại các văn bản số 2609/BGTVT-ĐTCT ngày 15-3-2018, số 3876/BGTVT-ĐTCT ngày 13-4-2018, số 9039/BGTVT-ĐTCT ngày 15-8-2018. "Thường trực Chính phủ đã đồng thuận các giải pháp xử lý bất cập do Bộ GTVT đề xuất" - ông Thể nói.
Người đứng đầu ngành giao thông khẳng định thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chủ động, tích cực làm việc với các bộ - ngành, các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý những bất cập tại các trạm thu phí. "Đến thời điểm này, một phần các bất cập tại các trạm thu phí BOT đã được giải quyết. Tuy nhiên, tại một số trạm thu phí, mặc dù Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ - ngành, địa phương và nhà đầu tư triển khai tất cả các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm" - ông Thể cho hay, đồng thời thông tin thêm: "Các giải pháp không thể xử lý triệt để trừ khi bố trí ngân sách nhà nước mua lại các trạm thu phí. Tuy nhiên, giải pháp mua lại không thể khả thi trong điều kiện hiện nay, do vậy rất cần có sự đồng thuận và chia sẻ của người dân và các cấp có thẩm quyền".
Không nên đổ cho đời bộ trưởng trước
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, đánh giá cao Chính phủ khi đưa ra nghị quyết về chấn chỉnh BOT gần như đồng thời với nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần tiếp tục làm triệt để việc yêu cầu công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp, lắp hệ thống thu phí tự động không dừng, kiên quyết yêu cầu khắc phục các tuyến đường không bảo đảm chất lượng trước khi cho thu phí.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, nhìn nhận tồn tại của BOT đã có từ lâu nhưng với cương vị hiện tại, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không thể chối bỏ trách nhiệm, không thể đổ cho các đời bộ trưởng trước.
Bình luận (0)