Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc có kế toán trưởng; Không có nợ xấu 2 năm liên tiếp được vay vốn đầu tư ra nước ngoài; quy định về xe công cho cấp Bộ trưởng… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2019.
Chi 200 triệu đồng mua tin thuốc lá nhập lậu
Từ ngày 1-2, thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư 122/2018/TT-BTC. Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ được chi cho các khoản sau: Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm; Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…
Cơ quan có thẩm quyền sẽ chi tiền để mua tin về thuốc lá nhập lậu - Ảnh: Minh Chiến
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Không có nợ xấu 2 năm liên tiếp được vay vốn đầu tư ra nước ngoài
Thông tư 36/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15-2 quy định cụ thể về điều kiện vay vốn để đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự; nếu khách hàng là cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn.
Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện như đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép; có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.
Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng
Theo Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15-2, doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng (ảnh minh họa) - Ảnh: Minh Chiến
Về Sổ kế toán, doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này.
Về phương pháp kế toán, doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…
Quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên
Từ ngày 8-2, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, đối với giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III: Tập sự 12 tháng. Trước đây giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng.
Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III: Tập sự 9 tháng. Đối với giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV: Tập sự 6 tháng.
Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, áp dụng từ ngày 15-2. Theo chương trình này, nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học. Cụ thể ở cấp tiểu học có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh: Tấn Thạnh
Cấp trung học cơ sở, Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới. Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Bộ trưởng được đi xe công giá đến 1,1 tỉ đồng
Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước, chính thức có hiệu lực từ 25-2.
Theo Nghị định, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 1 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá.
Bộ trưởng được đi xe công giá 1,1 tỉ đồng (ảnh minh họa) - Ảnh: Minh Chiến
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP HCM được sử dụng 1 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỉ đồng trong thời gian công tác.
Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP HCM được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.
Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.
Kiểm lâm bị thương được hưởng chính sách như thương binh
Nghị định đầu tiên của năm 2019 là Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo đó, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp.
Nghị định này được ban hành ngày 1-1-2019, có hiệu lực từ ngày 15-2 tới đây.
Bình luận (0)