Theo Quyết định số 4390 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1 áp dụng với 27 trạm BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1 theo công nghệ mới RFID - sử dụng sóng radio nhận diện tự động phương tiện có gắn thẻ E-tag dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ E-tag, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe.
Đủng đỉnh vì sợ minh bạch
Dự án do liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng vốn trên 1.500 tỉ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT.
Trạm thu phí BOT Bắc Ninh (đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) triển khai và lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nhấn mạnh việc lắp đặt thu phí không dừng để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Do đó Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu 27 trạm BOT trên phải đưa vào vận hành thương mại từ đầu tháng 10-2017. Tuy nhiên, đến nay không thể thực hiện được vì sự chậm trễ của một số nhà đầu tư BOT.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, cho biết đã ký hợp đồng với 25 trạm. Hiện đã vận hành thương mại được 13 trạm, 5 trạm khác đang triển khai. Ngày 20-11, cố gắng đưa vào khai thác tại trạm cầu Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và trạm Quán Hàu (Quảng Bình). Còn trạm Đông Hà (Quảng Trị); Bến Thủy I, II (Nghệ An) sẽ triển khai trong tháng 12-2017.
Đại diện lãnh đạo VETC cũng nhấn mạnh trong tổng số 27 trạm thuộc dự án, có 6 trạm do nhà đầu tư BOT tự lắp thiết bị không dừng của nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng đến nay chưa hoàn thiện. Không những vậy, thiết bị cũng không đúng quy chuẩn thu phí không dừng của Bộ GTVT.
Kiên quyết dừng thu phí
Theo lãnh đạo VETC, nhà đầu tư BOT được quyền chọn nhà cung cấp dịch vụ khác song cần bảo đảm chuẩn chung, tránh trường hợp cùng hệ thống thu phí không dừng nhưng tiêu chuẩn các trạm lại khác nhau. Khi đó sẽ không đồng bộ dữ liệu, va chạm giao thông rất dễ xảy ra. Lãnh đạo Bộ GTVT từng phát biểu nhiều lần, lý do lớn nhất làm chậm trễ tiến độ bởi các nhà đầu tư BOT né tránh và e ngại tính minh bạch trong thu phí khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động.
Theo tiến độ, trong số 27 trạm, hiện còn 2 trạm BOT là Cần Thơ - Phụng Hiệp và Cam Thịnh - Khánh Hòa chưa ký hợp đồng với VETC. Ngoài ra, còn 6 trạm khác đã ký hợp đồng nhưng lắp thiết bị của nhà cung cấp dịch vụ khác cũng có nguy cơ chậm tiến độ vì chưa đồng bộ với hệ thống chung.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết đây là giai đoạn dự án sắp cán đích. Hiện cơ quan này đang tích cực đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án. Do đó, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu VETC phối hợp với các đơn vị liên quan sớm có văn bản hướng dẫn chung. Rà soát lại hợp đồng BOO, phân cấp rõ ràng, trách nhiệm nhà đầu tư BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư VETC. Đây sẽ là cơ sở để sau này đôn đốc, xem xét xử lý trách nhiệm. Sau khi dự án đi vào hoạt động, dữ liệu sẽ được kết nối về tổng cục - hiện Trung tâm Dữ liệu đường bộ của tổng cục đã hoàn thành.
Đối với các trạm triển khai chậm tiến độ, Tổng cục Đường bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra để đôn đốc và chốt thời gian hoàn thành cụ thể cho từng trạm. Các trạm do nhà đầu tư BOT tự triển khai cũng phải bảo đảm tiến độ chung. "Đến hết tháng 12-2017 phải hoàn thành, trạm nào không bảo đảm tiến độ, tổng cục sẽ đề xuất Bộ GTVT kiên quyết dừng thu phí" - ông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định.
2019: Thu phí tự động toàn bộ trạm BOT
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đối với các dự án BOT, quan trọng là phải minh bạch để người dân nắm được, hiểu được và chia sẻ. Theo đó, minh bạch đầu vào dự án thông qua công tác quyết toán đồng thời minh bạch đầu ra thông qua công khai mức thu, số thu mỗi lượt, mỗi ngày. "Muốn làm được điều đó thì đến năm 2019, tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động ở tất cả các làn" - ông Thể nói.
Bình luận (0)