Sáng 12-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra đường dây sản xuất, mua bán xăng giả liên quan đến đại gia Trịnh Sướng (giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng – tỉnh Sóc Trăng).
Đại gia Trịnh Sướng tại cơ quan điều tra
Trả lời câu hỏi về việc cơ quan điều tra có làm rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng của các tỉnh, thành khi không phát hiện được xăng giả, đại tá Lê Vinh Quy nói: "Việc này thì phải từ từ. Chúng tôi cũng đang chứng minh rồi mới có kiến nghị sau".
Theo lời khai ban đầu của các bị can trong đường dây xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, sau khi sản xuất, xăng giả đã được bán cho các cửa hàng ở các tỉnh, thành như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng... Chỉ tính riêng tại Đắk Nông cơ quan công an đang làm rõ gần 10 cửa hàng có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả.
Tại cơ quan điều tra, bị can Trịnh Sướng khai nhận bạn bè chỉ cho cách pha chế xăng giả. Xăng giả được đại gia này và đồng phạm bán trực tiếp cho cửa hàng nên không có hóa đơn. Mỗi lần nhập hàng, các doanh nghiệp làm xăng giả lấy một xe bồn khoảng 26 m3 bán cho cửa hàng xăng dầu, rồi bán cho người tiêu dùng.
Cơ quan điều tra bắt quả tang tàu Gia Thành 7 đang bơm chất để làm xăng giả
Trước đó, tháng 4-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành kiểm tra chất lượng xăng dầu tại địa phương do phát hiện việc buôn lậu xăng dầu ở một số tỉnh, thành.
Thực hiện chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông đã tiến hành 2 đợt thanh tra về chuyên ngành ghi nhãn hàng hóa, chất lượng xăng, dầu (tháng 6-2018) và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng xăng, dầu (tháng 9-2018), đối với 28 cơ sở kinh doanh tại địa phương. Trong đó, đợt 1 đoàn thanh tra đã lấy 5 mẫu xăng, dầu tại 4 cơ sở kinh doanh xăng, dầu nhưng chỉ phát hiện một mẫu xăng vi phạm về chất lượng. Đợt 2, đoàn kiểm tra lấy 9 mẫu xăng, dầu nhưng tất cả đều đảm bảo chất lượng.
Lý giải về vấn đề không phát hiện xăng, dầu giả, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông, cho rằng việc thanh tra được thực hiện theo kế hoạch và phải thông báo cho các cơ sở kinh doanh biết. Do đó, có thể các đơn vị này có biện pháp đối phó.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho rằng đơn vị chỉ kiểm tra điều kiện kinh doanh của các cửa hàng xăng, dầu. Ba công ty nằm trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả không phải đối tác bán xăng cho các cửa hàng theo giấy phép kinh doanh được cấp.
Một địa điểm sản xuất xăng giả. Nguồn C.A
Còn tại "đại bản doanh" của đại gia Trịnh Sướng, năm 2018, ngành chức năng kiểm tra kho xăng, cây xăng của Công ty TNHH Mỹ Hưng nhưng không phát hiện vi phạm. Năm 2017, ông Trịnh Sướng cho gia đình ông Nguyễn Việt Trung, nguyên chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh (hiện là phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) mượn khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, giám đốc sở này cho rằng ông Trịnh Sướng là bà con bên vợ của ông Trung. Khi phát hiện vụ việc, đã kiểm điểm rút kinh nghiệm cá nhân ông Trung.
Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, xác nhận doanh nghiệp của đại gia Trịnh Sướng từng đài thọ chuyến đi học tập dành cho các cán bộ về hưu và phân công phó bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Ông Hiểu cũng khẳng định sẽ chỉ đạo công an làm rõ về vấn đề có hay không sự bao che để ông Trịnh Sướng sản xuất, kinh doanh xăng giả trong một thời gian dài.
Clip hành trình triệt phá xăng giả. Nguồn C.A
Bình luận (0)