Thời trung học, tôi học đều các môn nhưng thích khoa học tự nhiên hơn, nên chọn ban B (toán) ngay từ khi vào trung học đệ nhị cấp (THPT ngày nay) và thẳng một đường lên đại học. Ấy mà vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ vì "con gà tức tiếng gáy" khiến tôi vướng vào nghiệp viết lách và chữ nghĩa nuôi tôi đến tận bây giờ.
Với báo chí
Ngày ấy, tôi có người bạn thích viết lách, lúc nào cũng nói chuyện báo chí, văn chương và chê chúng tôi là người Việt có trình độ học lực thuộc diện cao mà không rành tiếng Việt. Tôi quyết tâm tìm hiểu chuyện chữ nghĩa bằng cách mua 2 đồng báo cũ và tốn mấy ngày đọc tất tần tật. Thấy vậy, một người bạn khuyên tôi đừng nổi máu yêng hùng, không khéo chẳng bắt được gà mà còn mất nắm gạo. Nhưng tôi tin mình sẽ không thất bại. Sự tự tin ấy dựa trên cơ sở kiến thức thu thập được thời đi học.
Và bài viết đầu tiên cũng là bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên mục "Tổ quốc qua những áng văn" của Báo Văn nghệ TP HCM vào năm 1982. Từ đó, tôi viết rất đều và được các báo sử dụng rất đều. Nhưng thật lòng mà nói, chữ nghĩa ấy là "tuồng bụng" chứ chẳng bài bản chi, dẫu không ít người nói tôi có duyên với chữ nghĩa.
Một lần, nhà thơ Bế Kiến Quốc ở Hà Nội vào TP HCM, đến nhà tôi ngủ lại. Và đêm ấy, Bế Kiến Quốc cho tôi biết thế nào là bài báo, thế nào là ghi chép, ký, ký sự, bút ký; thế nào là truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài,… Vừa làm vừa học, tôi viết đủ các thể loại và đã xuất bản được 30 đầu sách.
Nghe tôi làm báo, viết văn, mới đầu, bạn học cùng thời chẳng mấy ai tin, nhưng rồi phải tin, vì đó là sự thật! Sau đó tôi trở thành biên tập viên của một tờ báo và cũng được mấy giải thưởng báo chí từ cấp thành phố tới trung ương.
Với thơ
Hồi mới bước chân vào bậc trung học, phần cổ văn, chúng tôi được học ca dao. Khi giảng bài ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân"…, thầy giáo nói người xưa cho rằng: "Hữu thanh, vận, khả ca, vịnh chi văn vị chi thi" (một bài văn có thanh, có vần, có thể ca được, ngâm được thì gọi là bài thơ), nhưng bài ca dao nào cũng đáp ứng được những yêu cầu ấy mà không ai gọi đó là thơ.
Thầy dẫn bài đồng dao: "Trời mưa trời gió/ Xách đó đi đơm/ Chạy về ăn cơm/ Chạy ra mất đó", về sau có người thêm vào: "Kể từ ngày mất đó, đó ơi/ Đó không qua lại một đôi lời cho đây hay", thì theo thầy đó là bài thơ hoàn chỉnh. Cái gọi là hoàn chỉnh ấy, thầy chỉ cảm nhận chứ không biết rạch ròi thơ là gì, mong sau này chúng tôi tìm giúp. Và đến nay, lớp chúng tôi kẻ còn người mất nhưng chưa thấy ai tìm giúp thầy.
Lên lớp đệ ngũ (lớp 8), học bài thơ "Qua đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, thầy giáo lại nói chữ "thi" trong hán tự với bên trái là bộ "ngôn", bên phải là chữ "tự" (chùa). Do đó, thơ là chốn linh thiêng, thần thánh của con người. Sứ mệnh của thơ là thông qua ngôn ngữ đưa con người đến cảnh giới nội tâm thanh cao, tịnh khiết, đến gần hơn với "đạo". Trẻ con 13-14 tuổi biết gì những điều cao xa ấy nhưng nghe hay thì ghi nhớ.
Thời của chúng tôi ở đô thị miền Nam, hễ thi rớt là vào lính, nên lo học lắm. Để rèn ngoại ngữ, chúng tôi vào thư viện tìm những cuốn sách dễ đọc. Ai khá thì tìm những cuốn văn xuôi 1.000 từ, rồi dần dần nâng lên 1.500 từ. Cà mèn như tôi thì đọc những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Thấy bài nào thích và ngắn thì tôi học thuộc lòng. Có bài thơ bằng tiếng Anh tôi học thuộc lòng vì nhớ tới lời nhắn gửi của người thầy hồi mới bước chân vào bậc trung học, tạm dịch đại khái: Thơ là gì? Ai biết?/ Không phải hoa hồng, nhưng là hương của hoa hồng/ Không phải bầu trời, nhưng là ánh sáng trên bầu trời/ Không phải con đom đóm, nhưng là ánh lập lòe của con đom đóm/ Không phải biển xanh, nhưng là âm thanh của biển/ Không phải là tôi, nhưng cái mà nó làm cho tôi/ Thấy, nghe, và vượt qua vài điều mà văn xuôi không thể/ Vậy thơ là gì? Ai biết?.
Qua đó, tôi nghĩ làm được bài thơ cho ra thơ không dễ chút nào. Gần đây, đọc những định nghĩa về thơ được sử dụng trong thế kỷ XXI, Lawrence Ferlinghetti, nhà thơ người Mỹ, nói: "Thơ được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ", lại càng làm cho tôi… không dám làm thơ, dù đã xuất bản 1 tập thơ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Với văn xuôi
Sưu tầm tư liệu viết về những nhà văn trong Tự lực văn đoàn, tôi đến gặp GS-NSND Trần Bảng. Ông là con trai nhà văn Trần Tiêu, gọi Khái Hưng là bác ruột. Khái Hưng và Trần Tiêu là hai anh em cùng mẹ (bố Khái Hưng có 5 vợ).
Thuở nhỏ, lúc lên Hà Nội học, Trần Bảng ở với vợ chồng Khái Hưng tại tòa soạn Báo Phong hóa (80 Quán Thánh). Ngày đó, ông đọc bản dịch "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh do Khái Hưng chuyển ngữ còn ở dạng bản thảo. Có một truyện rất ngắn, ông thấy thích mà không hiểu lắm, bèn hỏi Khái Hưng.
Truyện viết về một làng nọ giết con lợn để liên hoan. Khi thọc huyết, máu lợn đổ ra bốc mùi thối, cả làng không ai muốn gần mùi thối ấy, nên chạy ra đồng tránh né. Chờ mùi thối tan hết, mọi người mới vào lại làng. Lúc đó, nước cũng đã sôi, người mổ lợn tưới nước sôi lên thân lợn và cạo lông. Chỉ qua vài nhát cạo, da lợn hiện lên hai chữ "Tần Cối". Truyện chỉ có thế. Khái Hưng giảng cho ông nghe, Tần Cối là tể tướng thời Nam Tống (thế kỷ XII) trong lịch sử Trung Hoa. Tần Cối hãm hại nhiều trung thần, trong đó có anh hùng chống quân Kim là Nhạc Phi. Ông bị hậu thế phỉ nhổ, đánh giá là gian thần. Sau khi chết, Tần Cối bị đọa làm kiếp lợn, nhưng máu của nó vẫn thối làm cho người sống không muốn gần.
Theo Khái Hưng, truyện không nệ ngắn hay dài, quan trọng là sức nặng sau những chữ ấy. Qua chuyện này, Khái Hưng khuyên ông nên đọc chính bản sẽ thấy hay hơn bản người khác dịch. Khái Hưng cũng nói cho ông biết thế nào "Fiction - hư cấu", "Non-fiction - phi hư cấu", "Semi-fiction - bán hư cấu",… trong văn xuôi. Từ đó, kiến thức của ông được nâng lên, nhưng biết không thể nào theo nghiệp của bác, của cha được, nên về sau ông theo nghề đạo diễn, soạn giả, nghiên cứu chèo.
Từ câu chuyện của GS-NSND Trần Bảng, tôi lại giật mình, viết văn xuôi, nhất là trong sáng tác sao cho có sức nặng sau những dòng chữ của mình viết cũng chẳng dễ dàng gì. Phải học, phải khổ công thôi, nếu muốn theo nghề cầm bút. Với quyết tâm ấy, tôi theo học chương trình đào tạo sau đại học ngành Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm TP HCM). Luận văn của tôi viết về Khái Hưng, được hội đồng chấm luận văn nhất trí cho điểm tối đa 10/10.
Trên đường hướng về phía trước
Bây giờ, lục tìm trong ký ức, tôi thấy vào nghề, rành nghề, tinh nghề không đơn giản chút nào. Phải tìm hiểu tỉ mỉ ngóc ngách của nghề, thực hành thường xuyên thì mới hy vọng rành nghề, tinh nghề. Sản phẩm làm ra, nghe ai khen đừng vội mừng, nghe ai chê đừng vội trách. Thấy người ta tài giỏi hơn mình chớ nên ủ rũ, nhụt chí mà nên coi đó là mồi lửa kích thích tiềm lực rực cháy mới hy vọng bước tới thành công trong cuộc sống.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên mọi người cần phải "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân". Lời khuyên này hoàn toàn đúng trong mọi ngành nghề.
Trên đường hướng về phía trước, cái quan trọng nhất thực ra chính là bản thân của mình, hiệu quả của ngoại lực như những tri thức có trong sách vở, hoặc được thầy cô giáo chỉ dạy, máy móc hỗ trợ,… có thể giúp ta thuận lợi hơn một chút nhưng kết quả như thế nào, có tới đích như mong muốn hay không đều phụ thuộc vào bản thân mình.
Từ thực tế cuộc sống, tôi ý thức được một đạo lý, đó là chỉ có năng lực, thường xuyên trui rèn nâng cao năng lực mới là con đường duy nhất bảo vệ tôn nghiêm của chính mình, những cái khác chẳng là gì cả. Càng không thể hy vọng vào vận may có thể tạo nên kỳ tích gì, giống như cơm vào miệng phải nhai và nuốt xuống dạ dày và phải đủ lực để tiêu hóa chúng, biến chúng trở thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Nếu chưa có gì để người khác coi trọng, thì đừng mơ tưởng gì được tôn trọng, vẫn chỉ là con kiến hôi mặc người khác chà đạp. Đừng cho rằng người khác hơn mình vì gặp may mắn, mà phải luôn nhớ rằng đôi khi may mắn cũng là một loại thực lực. Ghen tị vĩnh viễn là nguyên nhân tạo thành sa đọa. Quyết chí tự cường mới là việc nên làm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)