Phượng bước ra cửa sổ nhìn xuống hàng cây không có gió, những chiếc lá nằm im như bất động dưới ánh nắng vàng như mật, bảo bây giờ ra đường chắc chắn là sốc nhiệt.
Mùa hè Hà Nội ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng mỗi năm ngày một gay gắt hơn, làm cho con người ta dường như cũng ngày một nóng nảy, khó tính. Phượng bảo nhìn trời thế này chỉ ước có cơn mưa rào. Cơn mưa chiều mùa hè mát lạnh có thể gột rửa mọi nóng bức, bực bội. Cơn mưa như cái chiều lớp mình chia tay nhau trên đường Thanh Niên, sao mới nhớ đã thấy mình muốn khóc rồi.
Tôi ngồi trong góc phòng làm việc, nghe Phượng nói chuyện, tự nhiên thấy bật cười. Người phụ nữ tuổi bốn mươi, đi qua bao thăng trầm của cuộc sống, qua biết bao dịch chuyển nhưng chỉ cần nghĩ về những năm tháng thanh xuân lại có thể khóc ngon lành.
Phượng và tôi học chung lớp cấp III, cùng với Nam, Thanh, Thụy trở thành nhóm đầu trò của lớp. Năm đứa, 5 tính cách, 5 cái tôi nhưng có thể chơi với nhau thân thiết hơn bất cứ nhóm nào. Thân đến độ hẹn hò với nhau rằng sau này, nếu đứa nào đến tuổi mà không lấy vợ, lấy chồng thì quay về ở với nhau, kiểu các cụ sống chung trong trại dưỡng lão.
Ngày chia tay lớp trước khi thi tốt nghiệp, trời mưa như trút nước, chúng tôi ngồi trong cái quán nhỏ trên đường Thanh Niên suốt một buổi chiều. Có những lúc không ai nói gì, chỉ nhìn ra màn mưa, mong thời gian như ngừng lại. Không phải vì sợ sau này không có cơ hội gặp lại nhau mà từ lúc ấy, đã biết sau này khó có thể sống với nhau hồn nhiên như trước.
Tốt nghiệp đại học, rồi mỗi đứa một nơi. Phượng yêu sớm nhất, đi xa nhất, nếm trải nhiều ngọt bùi nhất. Bốn mươi tuổi, Phượng từ Úc về Việt Nam, gia tài mang theo không phải tiền bạc mà là những ký ức về Hà Nội cùng những ngày tháng đẹp. Phượng bảo đi xa mới nhớ Hà Nội da diết, mới thấy thật sự không thể quên bất cứ điều gì, kể cả những điều từ lâu đã giấu kín.
Phượng cũng không thể quên Thụy, với những ngọt ngào của mối tình đầu. Không thể quên những chiều đạp xe từ đường Quán Thánh ra hồ Tây, chỉ để ngắm hoàng hôn trên con đường nở đầy hoa phượng, chỉ để ăn một túi bỏng ngô hay vài miếng quà vặt. Ngày trở về, trong buổi tụ tập nhiều nước mắt, Phượng bảo sao mình đã đi qua bao nhiêu vui buồn mà ký ức ở lại vẫn chỉ là những năm tháng học trò? Sao những lời ước hẹn tưởng chừng như vu vơ mà lại là lý do kéo mình bằng được phải quay về Hà Nội?
Tôi cũng không rõ tại sao những lời hẹn ước tuổi trẻ lại khiến người ta nghĩ về nó nhiều như thế? Chỉ biết rằng đôi khi, chỉ cần nghĩ về những tháng ngày ấy, cũng đủ để người ta hạnh phúc.
Bình luận (0)