"Phải nói thật nhiều, liên tục, càng có nhiều người biết về hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo thì cơ hội xây dựng và vận hành thành công nền kinh tế sáng tạo để dẫn dắt tăng trưởng càng cao" - ông Huỳnh Kim Tước hy vọng.
.Phóng viên: Có vẻ ông rất nóng lòng thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế sáng tạo, vậy cơ sở chứng minh là gì?
- Ông HUỲNH KIM TƯỚC: Đúng là tôi rất tâm đắc và có niềm tin là nếu phát triển được kinh tế sáng tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về tăng trưởng, phát triển của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời đại kinh tế số hiện nay.
Tôi có 30 năm làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trải qua nhiều vị trí khác nhau: từ một nhà nghiên cứu sáng tạo trở thành một nhà quản lý nhà nước ở Sở KH-CN. Từ tháng 10-2017 đến nay, tôi giữ vai trò điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN SIHUB - trung tâm làm nhiệm vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thông tin truyền thông, giáo dục cộng đồng và đào tạo thuộc các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, KH-CN và nhiều lĩnh vực khác. Từ kinh nghiệm thực tiễn và sự giao lưu, cọ xát thị trường, làm việc với các start-up lĩnh vực KH-CN trong nước lẫn ngoài nước càng củng cố thêm niềm tin của tôi: TP HCM chín muồi việc hình thành nền kinh tế sáng tạo. Trong cấu trúc kinh tế của quốc gia lẫn TP HCM đã có sự thống kê về ngành kinh tế KH-CN, nếu phối hợp với những sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật đủ điều kiện hình thành nền kinh tế này.
TP HCM có nhiều thế mạnh để đầu tư cho lĩnh vực này, vấn đề là tập trung vào những thế mạnh đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tạo ra hàng hóa, sản phẩm, hình thành thị trường giao dịch... Điểm xuất phát của ý tưởng là một quá trình nhìn nhận lại các mảnh ghép của nền kinh tế và dựa trên sự chín muồi của thị trường. Tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng này trong tâm thế một công dân TP cho sự phát triển chung của TP HCM.
Ông Huỳnh Kim Tước (bìa phải) trao đổi với các start-up trẻ tại một chương trình thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo. (Ảnh do SIHUB cung cấp)
.Điều kiện khách quan là vậy nhưng theo ông, làm cách nào để kinh tế sáng tạo có thể trở thành một thành phần của kinh tế TP HCM?
- Tôi từng suy nghĩ nhiều về điều này. Trước tiên, phải đặt vấn đề nghiêm túc là định vị nó là một nền kinh tế, tương tự như kinh tế công nghiệp, dịch vụ... và cần cả hệ thống quản trị nó.
Nền kinh tế nào cũng phải đi qua nhiều giai đoạn, phải định vị và xác định mục tiêu từng giai đoạn. Thế giới đã vận hành kinh tế sáng tạo khoảng 40 năm và đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Năm 2018, châu Á điểm danh 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD thì Việt Nam chỉ có 7 công ty lọt vào danh sách đó và tổng doanh thu của 7 công ty này cộng lại chỉ bằng doanh thu của Đại học Seoul (Hàn Quốc). Kinh tế sáng tạo tại Việt Nam mới manh nha xuất hiện nên cần có chương trình hành động để thúc đẩy sáng tạo trong trường học thành hàng hóa ra thị trường; thúc đẩy các tổ chức trung gian (tổ chức đánh giá, môi giới công nghệ...), cấu trúc về thị trường tài chính, các cặp liên kết như đại học với ngành công nghiệp, giới nghiên cứu với hệ thống công nghiệp... tạo ra những cơ chế hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này tốt hơn.
Song song đó là tạo điều kiện cho các trường đại học mở công ty, có thể tiến tới mở công ty tài chính trong trường đại học; nâng cao khả năng chuyển giao công nghệ trong trường đại học... Cuộc chơi này đòi hỏi sự hỗ trợ và giai đoạn này cần nâng cao pháp lý, năng lực của các tổ chức trung gian.
.Nói như vậy, để phát triển kinh tế sáng tạo đòi hỏi phải có sự can thiệp từ chính sách chung và vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của TP HCM?
- Đúng là rất cần chính sách cho kinh tế sáng tạo hình thành và phát triển. Khi hình thành một nền kinh tế mới, cần đặt ra vấn đề gì cần làm, vấn đề gì có thể làm được ngay. Theo tôi, trước hết cần có sự hiểu biết căn bản từ những người làm chính sách để xây dựng bộ khung cho kinh tế sáng tạo. Ở phạm vi TP HCM, những vấn đề trong tầm giải quyết được thì cần quyết liệt làm; những gì thuộc phạm vi trung ương thì kiến nghị điều chỉnh, bổ sung sao cho kết quả cuối cùng là sự thay đổi mạnh mẽ.
Về cơ bản, trong giai đoạn 5 năm vừa qua và định hướng 5 năm tới, Sở KH-CN TP HCM tiếp tục phát triển cộng đồng công nghệ, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Đó là những mảnh ghép căn bản của nền kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, như đã nói, nếu kinh tế sáng tạo được xác định là một nền kinh tế thì hoạt động này của TP đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần xã hội và sự hỗ trợ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có vai trò hoạch định nền kinh tế sáng tạo; Sở KH-CN lo về thị trường, thúc đẩy hàng hóa sáng tạo. Đặc biệt là TP phải có sự xem xét đánh giá, định vị nền kinh tế sáng tạo có đủ và đáng để đầu tư, quản lý và khi đã xác định đủ và đáng thì TP sẽ có chính sách dành cho nó.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-6
Kỳ tới: Say mê cầu đi bộ
Cuộc chơi mới
Theo ông Huỳnh Kim Tước, kinh tế sáng tạo sẽ là cuộc chơi mới, giải quyết được bài toán gia tăng giá trị nhưng không dễ làm. Mấu chốt quan trọng là chúng ta có coi nó là nền kinh tế độc lập và quyết tâm phát triển không? Khi đã có nhận thức đúng đắn, định vị kinh tế sáng tạo thì sẽ xây dựng nó. Thế hệ lãnh đạo TP HCM hiện tại rất am hiểu và dành nhiều ưu tiên cho phát triển KH-CN, TP HCM lại đang hướng tới xây dựng đô thị sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Đây là những tiền đề cho kinh tế sáng tạo phát triển. Công việc bây giờ là tìm thêm những mảnh ghép khác để tạo nên hệ sinh thái của nền kinh tế đó.
Bình luận (0)