xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người làm hoa cho đất: Nguyễn Đình Chiểu - Cây bút chở Đạo và trừ gian

Nhà sử học LÊ VĂN LAN

Ngày cụ Nguyễn Đình Chiểu mất, học trò đến đưa tang, khăn tang trắng cả một cánh đồng. Họ đã nhờ thầy mà xứng đáng với các chữ "Trung dũng - Khí phách - Trọng nghĩa - Khinh tài" của người Nam Kỳ

Danh hiệu "Cây bút chở Đạo và trừ gian" của cụ Nguyễn Đình Chiểu có căn cứ từ 2 câu thơ nổi tiếng của chính cụ, rất được người Nam Kỳ tán thưởng: "Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà"!


Những người làm hoa cho đất: Nguyễn Đình Chiểu - Cây bút chở Đạo và trừ gian - Ảnh 1.

Tên của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được sử dụng để đặt tên cho một con đường rất đẹp ở TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)

Nhà giáo được trọng vọng

Đấy cũng là tinh thần, ý chí, thậm chí là lẽ sống của cụ "Đồ Chiểu" - Tú tài (sinh đồ) Nguyễn Đình Chiểu - tên gọi thân thương, từ nhân dân Nam Kỳ qua các đời, đối với một người Nam Bộ tiêu biểu, điển hình, có đến 3 chức phận trong một nhân cách, là: Nhà giáo, thầy thuốc và nhà thơ.

Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ tú tài năm 1843 ở trường thi Gia Định, lúc 21 tuổi. Sau đó có 2 năm "chuyên tu" ở Huế để chuẩn bị dự khoa thi Hội vào năm 1849 (do được đặc cách ưu tiên sĩ phu Nam Kỳ: Chưa phải là cử nhân nhưng vẫn được phép dự tuyển tiến sĩ).

"Trình độ văn hóa" chỉ đến mức ấy, lại thêm việc bị mù từ năm 26 tuổi, nhưng thầy Đồ Chiểu vẫn là một bậc trí giả Nho học lớn, khi trước sau ba lần mở trường dạy học ở ba nơi: Bình Dương - quê mẹ, Cần Giuộc - quê vợ và đặc biệt là Ba Tri (Bến Tre) - nơi định cư ở thời gian cuối đời.

Từ tấm bé ông được cha hết lòng giáo dưỡng, 11 tuổi đã được cha ký gửi cho theo học một vị thầy vốn là quan thái phó của triều đình Huế. Đặc biệt là, tuy không được trực tiếp thụ huấn danh sư Võ Trường Toản ở trường Hòa Hưng, nhưng thầy học của Nguyễn Đình Chiểu là học trò của ông Nghè Chiêu, mà Nghè Chiêu lại là môn sinh của thầy Võ Trường Toản. Cho nên, phương châm giáo dục của thầy Đồ Chiểu vẫn là của/và từ "Lò đào tạo Hòa Hưng": "Dưỡng khí - Tập nghĩa", "Trung dũng, Khí phách, Trọng nghĩa, Khinh tài" - vốn chính là phẩm chất đặc trưng của người Nam Kỳ.

Nữ sĩ Mai Huỳnh Hoa (1910 - 1987) - chắt ngoại của cụ Nguyễn Đình Chiểu - vào năm 1935, trên báo "Tân Văn" đã mô tả cách thức thầy Đồ Chiểu "ngồi" dạy học, như sau: "Học trò ước có hai trăm người, ngồi ra hai hàng tả hữu nghe giảng. Tiên sinh mắt đã mù, không còn xem sách được. Nhưng mỗi bữa hỏi học trò tới đoạn nào thì tiên sinh giảng đoạn ấy, như (vẫn) ngó thấy sách, vì tiên sinh thuộc lòng các sách".

Các lớp môn sinh từ nhiều nơi đã đến trường thầy Đồ Chiểu, để được thụ giáo theo cách ấy. Ngày thầy về cõi vĩnh hằng, họ đến đưa tang, khăn tang trắng xóa cả một cánh đồng. Họ đều đã nhờ thầy mà trở thành "Người Nam Kỳ" xứng đáng với các chữ "Trung dũng - Khí phách - Trọng nghĩa - Khinh tài".

Trong số đó có cả hai người con của cụ Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (tức nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, 1864 - 1922) - Nữ chủ bút tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam: "Nữ Giới Chung" (Tiếng chuông nữ giới); và Nguyễn Đình Chiêm (1869 - 1935) - tác giả của các vở hát bội "Phấn Trang Lâu", "Nam Tống tình trung"… nổi tiếng. Ngoài ra, còn có hai hòa thượng: Lê Khánh Hòa (1877 - 1947) và Thích Khánh Thông (1871 - 1953) - đều là những người có công lớn trong phong trào "Chấn hưng Phật giáo", đầu thế kỷ XX.

Những người làm hoa cho đất: Nguyễn Đình Chiểu - Cây bút chở Đạo và trừ gian - Ảnh 3.

Tên của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được sử dụng để đặt tên cho một trường học đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị ở TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)

Thầy thuốc mẫu mực

Năm 1848, trên đường từ Huế về Gia Định chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu lâm bệnh nặng, phải nằm lại ở Quảng Nam chữa bệnh, kết quả: Sức khỏe được khôi phục nhưng mắt thì bị mù. Một điều đi kèm là: Chính trong thời gian này, nhờ được thầy thuốc vừa chữa bệnh cho, vừa tận tâm dạy cho các cách thức chữa bệnh, nên Nguyễn Đình Chiểu đã "làm quen", rồi "đi sâu" vào nghề y.

Từ đó cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Chiểu mù mắt nhưng có gần 40 năm vừa mở trường dạy học, vừa kiêm luôn việc làm thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Lịch sử sẽ còn phải tìm hiểu nhiều điều, xem làm sao mà một người mù như Nguyễn Đình Chiểu lại có thể trở thành một thầy thuốc giỏi như thế. Nhưng thầy thuốc giỏi, rất được trọng vọng - Nguyễn Đình Chiểu, thì đó là một hiện thực lịch sử chắc chắn.

Những bệnh nhân được thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu cứu chữa và cứu giúp, ở khắp nơi, nhiều đến cả ngàn.

Không chỉ thực hành y khoa và y tế, Nguyễn Đình Chiểu còn viết sách y học và y đức. Đó là tác phẩm "Ngư tiều y thuật vấn đáp", gồm 3.642 câu lục bát và 21 bài thơ.

Ở công trình này, Nguyễn Đình Chiểu đã khái quát đầy đủ, trình bày những điều thiết yếu nhất về phương pháp đường hướng trị bệnh theo quan điểm của đông y; nói rõ về mạch, dược, vận khí, thương hàn, sản phụ, nhi khoa…, phân tích về tâm, can, tỳ, phế, thận… trong cơ thể con người; chỉ ra nhiều bài thuốc cụ thể, đặc biệt là đề cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc: "Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành"; chỉ trích những thầy thuốc mà thiếu y đức: "Vốn là theo thói tham nhăng/ Nhân khi bệnh ngặt đòi ăn của nhiều"; khuyến khích việc chữa bệnh cho người nghèo: "Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng thuốc đành cho không"!

Người Nam Kỳ coi lương y Nguyễn Đình Chiểu là danh y trong lịch sử, chỉ đứng sau Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, là vì lẽ đó.

Nhà thơ yêu nước kiệt xuất

Nếu dạy học và chữa bệnh là hai nghề và nghiệp cao quý của một Nguyễn Đình Chiểu mù lòa, thì sáng tác thơ văn để cổ vũ tinh thần các tấm gương yêu nước, chống xâm lược, đồng thời để "chở Đạo, trừ gian", đã đưa họ Nguyễn lên tới hàng Danh nhân lịch sử của đất nước và Danh nhân văn hóa của thế giới.

Ngày 23-11-2021, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần thứ 41 đã quyết định vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và khuyến nghị toàn nhân loại tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh (1822 - 2022) của cụ.

Sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu thật đồ sộ, càng đồ sộ hơn khi đây là sự nghiệp của một nhà thơ mù, sống giữa thời loạn lạc cực kỳ giữa thế kỷ XIX của đất nước - gồm hai giai đoạn:

Những năm 50 của thế kỷ XIX, với "Lục Vân Tiên", "Dương Từ - Hà Mậu"... là thời gian khẳng định tư tưởng Nhân nghĩa và Yêu nước thương dân của nhà thơ.

Từ năm 1859 (khi Pháp xâm lược Nam Kỳ) đến năm 1888 (khi Nguyễn Đình Chiểu qua đời), với 37 bài thơ và văn tế nổi tiếng (chẳng hạn: "Chạy giặc", "Từ biệt cố nhân", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", thơ (12 bài), điếu và Văn tế Tướng quân Trương Định, thơ (10 bài) điếu Đốc binh Phan Tòng, Văn tế Nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh…) là thời gian phát triển rực rỡ của sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu.

Ở cả hai giai đoạn sáng tác văn chương này, nổi bật lên ba đặc điểm:

Dùng chữ Nôm, với một ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, đậm đà chất Nam Bộ, khiến tác phẩm có sức thu hút mạnh mẽ người đọc.

Thành công lớn - trong việc xây dựng hình tượng người nông dân trong văn chương truyền thống và người anh hùng Nam Bộ trong sự nghiệp yêu nước - chống xâm lược.

Nhiệt thành đề cao đạo nghĩa nhân dân, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước, thông qua các khái niệm và thuật ngữ "Trung Hiếu Tiết Hạnh"… của Nho gia.

Thân phận đặc biệt trong cuộc đời đặc biệt

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM); mất ngày 3-7-1888 ở làng An Bình Đông, trong một ngôi nhà nhỏ, gần chợ Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Là nhà thơ yêu nước kiệt xuất hàng đầu của đất Nam Kỳ, Danh nhân Lịch sử nước Việt, Danh nhân Văn hóa thế giới, ngôi đền thờ Nguyễn Đình Chiểu - tọa lạc tại Khu lưu niệm và Di tích Quốc gia đặc biệt: ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - xây dựng hồi đầu thế kỷ XXI, có chiều cao 21 m với 3 tầng mái ngói âm dương, tượng trưng cho 3 thân phận đặc biệt trong cuộc đời đặc biệt là: Nhà giáo, Thầy thuốc và Nhà thơ - có 4 liễn gỗ áp cột với hoa văn tinh xảo, đề hai câu thơ trích từ tác phẩm "Dương Từ - Hà Mậu" của họ Nguyễn: "Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà" và đôi câu đối ngợi ca: "Nhân Nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao Khuê".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo