Nguyễn Cư Trinh sinh năm 1716 ở xã An Hòa, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - nay là phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Viết sách "Sãi Vãi" trước khi ra quân
Năm 1750, Nguyễn Cư Trinh được cắt cử làm chức Tuần phủ Quảng Ngãi. Nhiệm vụ chính của ông là trấn dẹp cuộc nổi dậy của người dân tộc thiểu số ở địa phương này chống lại triều đình các chúa Nguyễn, mà sử sách bấy giờ gọi là "mọi Đá Vách".
Tên của danh tướng Nguyễn Cư Trinh được sử dụng đặt cho một con đường và trường học ở TP HCM.(Ảnh: TẤN THẠNH)
Hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ dẹp loạn - không chỉ đánh giết mà còn bằng nhiều biện pháp nhân văn như: chiêu dụ, an sinh… - Nguyễn Cư Trinh được đánh giá cao trong thời gian làm quan chức đứng đầu đất Quảng Ngãi. Ông đã khéo kết hợp chức trách của người làm quan với bản lĩnh thi nhân của mình, sáng tạo nhiều tác phẩm văn chương vừa có giá trị nghệ thuật vừa có tính thời sự bằng chữ Nôm, như: "Quảng Ngãi thập nhị vịnh" (12 bài thơ vịnh cảnh Quảng Ngãi), đặc biệt là truyện "Sãi Vãi".
"Sãi Vãi" được sáng tác trong phong trào dùng chữ Nôm viết truyện thơ đang thịnh hành trên khắp đất nước ở thế kỷ XVIII, đồng thời ứng dụng thể loại văn chương được ưa chuộng ở Xứ Đàng Trong lúc bấy giờ là "văn hát tuồng đồ". Tác phẩm này đã giúp Nguyễn Cư Trinh ra quân thuận lợi, khi kích thích được tinh thần quân sĩ dưới cờ và cả đông đảo sĩ phu, quan chức, thức giả xung quanh. "Sãi Vãi" còn giúp ông có được một chỗ đứng đáng nể trọng trên văn đàn và lịch sử văn hóa - văn học ở phương Nam, đương thời và cả sau đó.
Không có cốt truyện và cấu trúc theo lớp lang, chỉ có 2 nhân vật là ông Sãi và bà Vãi cùng với cuộc đối thoại của họ, vậy mà Nguyễn Cư Trinh đã tạo nên được một bức tranh văn học về toàn cảnh xã hội phương Nam lúc bấy giờ. Ông còn gửi gắm vào đấy ý chí và tư tưởng của mình.
Qua nhân vật ông Sãi và những lời thoại của ông, người ta thấy đó là sự hóa thân của chính Nguyễn Cư Trinh - một nhà Nho chân chính, trung quân, ái quốc, vị dân, theo đúng khuôn phép mà chúa Nguyễn Phúc Chu khởi xướng lúc ấy là "Cư Nho mộ Phật". Còn nhân vật bà Vãi và những lời thoại của bà lại là hình ảnh của xu thế xã hội đương thời: Tu hành đấy nhưng còn vương vấn khá nhiều tục lụy "thất tình" - hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
Vì thế, những lời thơ mang sứ mệnh chấn chỉnh việc tu hành, cũng như hoạt động xã hội của "ông Sãi Nguyễn Cư Trinh" được nhớ mãi:
Một lời nói, phải nhân phải đạo, ấy là tu ngôn/ Một việc làm, chẳng hại chẳng tham, ấy là tu hạnh/ Lấy "nhân" mà tu tánh, lấy "đức" mà tu thân/ Tu minh đức để mà tân dân/ Tu tề gia để mà trị quốc/ Ấy là trong hiền đức, tu cho phải đạo tu.
Cùng với đó là lời đinh ninh son sắt của Nguyễn Cư Trinh:
Đạo tu lòng chẳng trễ, công mài sắt ắt nên/ Mặc ai xao lãng lòng thiền/ Đạo ta, ta giữ cho bền thì thôi.
Người cuối cùng hoàn tất sự nghiệp kỳ vĩ
Từ năm 1753, Nguyễn Cư Trinh được phái vào Gia Định, chủ trương việc đối phó với Chân Lạp. Khi ấy, Chân Lạp đang vừa lục đục nội bộ vừa gây hấn ở đất phương Nam của nước Việt.
Hơn 10 năm gánh vác sự nghiệp tiếp tục mở đất và giữ đất phương Nam, bằng những hành động và tư tưởng chiến lược sáng tạo độc đáo như chủ trương "Tàm thực" (Tằm ăn lá dâu), "Dĩ địch chế địch" (để cho đối phương chế ngự lẫn nhau)…, Nguyễn Cư Trinh là người cuối cùng hoàn tất sự nghiệp Nam tiến - mở đất phương Nam của dân tộc vào năm 1757. Đất phương Nam được đưa vào bản đồ Xứ Đàng Trong - nước Đại Việt, miền đất ở mạn trên giữa sông Tiền và sông Hậu, mà sử sách lúc bấy giờ gọi bằng tên Tầm Phong Long.
Trong quá trình hoàn tất sự nghiệp kỳ vĩ ấy, Nguyễn Cư Trinh có nhiều dịp liên hệ với Mạc Thiên Tích - Tổng binh miền Hà Tiên, đồng thời là Minh chủ của Tao đàn Chiêu Anh Các. Nhanh chóng trở nên thân thiết, mối tình bằng hữu đã kết nối hai người vào chung sự nghiệp văn hóa, văn chương.
Kết quả đẹp đẽ là thêm 10 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Cư Trinh ra đời, họa lại 10 thi phẩm "Hà Tiên thập cảnh" của Mạc Thiên Tích. 10 bài thơ này chẳng những làm giàu cho tập sách thơ đã sẵn hơn 300 bài của Chiêu Anh Các mà còn làm cho kho tàng tác phẩm thi ca của Nguyễn Cư Trinh càng thêm phong phú, giá trị.
Chúng ta cùng nghe lại những tiếng chuông ngân nga trong thi phẩm Nguyễn Cư Trinh họa lại bài "Tiêu tự thần chung" của Mạc Thiên Tích (dịch):
Gió sớm lạnh lùng hạt móc sa / Đầu cành lướt nhẹ tiếng ngân nga/ Chuông gào bãi biển chòm sao lặn/ Mõ giục rừng sâu mảnh nguyệt tà…
Chúng ta cũng hãy nghe thêm những tiếng chuông này nữa, ở bài họa lại thi phẩm "Sơn tự mộ chung" (dịch):
Chùa Cao trong khói tiếng chày kình/ Văng vẳng lan xa tận bờ xanh/ Tiếng vọng lưng trời sương đêm loãng/ Ngân vang giữa mộng khách hồn kinh…
Tuy nhiên, ngay bên cạnh những tiếng thơ trong trẻo như thế, vẫn còn một dòng thơ Nguyễn Cư Trinh nặng lòng vì thế sự suy thoái và phiền muộn vì nỗi gian truân chinh chiến, như ở bài "Tái thượng ngâm":
Quan tái thê phong xuy quyện mã/ Trường An phiến nguyện dữ cô thần.
(Gió lạnh biên cương xoáy vào đàn ngựa mệt mỏi/ Mảnh trăng kinh thành dõi theo bề tôi cô đơn).
Cũng như ở bài "Long Hồ đại phong ký hoài":
Thế sự vinh khô nại nhược hà?
(Việc đời tươi héo như thế sao?)
Bài văn xuôi đáng giá nhất
Tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của Nguyễn Cư Trinh mà nhà bác học Lê Quý Đôn đánh giá rằng "Muốn bàn nói điều hay lẽ phải nhưng đều không được theo" là bức thư dâng lên chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm Tân Mùi - 1751.
Có 3 mệnh đề lý luận và thực tiễn đã được gắn quyện vào nhau trong bức thư này. Thứ nhất, dân là gốc của nước, phải hết sức trọng dân. Thứ hai, trong dân gian luôn có biến động, không thể quan liêu và biếng nhác mà không theo dõi ứng phó. Thứ ba, là lời cảnh báo nghiêm khắc, cụ thể về nguy cơ thất bại, sụp đổ, nếu không chú ý đến 2 mệnh đề trên.
Rất đặc sắc là chỉ có mấy dòng chữ thôi mà Nguyễn Cư Trinh đã diễn đạt được hết sức mạch lạc và sắc sảo chính kiến của mình: Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước chẳng thể yên. Cho nên, nếu ngày thường chăm dùng ân huệ để cố kết lòng người thì đến khi có việc xảy ra còn mong chờ vào đâu?
... Trộm nghĩ: thói tệ bạc chất chứa trong dân gian đã nhiều, nếu cứ thủ thường như cũ, không biết tùy thời thêm bớt và thiết lập kỷ cương, thì một ấp cũng khó giữ được, chứ đừng nói đến một nước!
Bình luận (0)