xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những "núi rác" gây ám ảnh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Trong khi hàng ngàn hộ dân phải sống chung với ô nhiễm từ những khu xử lý chất thải với rác chất cao như núi, thì nhiều dự án, khu xử lý vẫn chờ triển khai hay mở rộng

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sống ở ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, không ngừng cầu cứu vì ô nhiễm ở bãi rác Tân Hưng, thuộc sự quản lý Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh, đã lên đến đỉnh điểm do quá tải.

Ô nhiễm vì quá tải

Không đợi mở lời, biết chúng tôi làm báo là nhiều hộ dân ở ấp Tân Lợi, đã đua nhau tuôn ra nỗi bức xúc bấy lâu nay của mình. Nào là bãi rác này đã hoạt động hơn 20 năm, nay đã quá tải trầm trọng. Nào là ai không quen đến đây thăm bà con thì bảo đảm chưa đầy ngày phải cáo lui… "Rác chất cao như núi, tràn qua đất canh tác. Cứ trời có gió là y như rằng mùi hôi thối cứ thế xộc thẳng vào nhà. Sợ hơn nữa là lượng nước rỉ rác gây hư hại cho hoa màu, làm chết cây cao su hàng chục năm tuổi" - bà N.T.M bức xúc nói.

Theo bà M., dù doanh nghiệp cũng đã có hướng khắc phục bằng cách đền bù tiền cho người dân bị thiệt hại hoa màu nhưng nỗi bức xúc vẫn không nguôi, vì tình trạng ô nhiễm này nếu kéo dài thì điều đáng sợ nhất không đâu khác là sức khỏe. "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm hiểm họa trên" - bà M. nhấn mạnh.

Những núi rác gây ám ảnh - Ảnh 2.

Bãi rác đã quá tải của Công ty Cổ phần Công nghệ Tây Ninh khiến người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Không thua kém, bãi rác Quang Trung (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, cũng đang ngày đêm tạo ra nỗi bức xúc của người dân ở xã Xuân Thiện và xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), bởi tình trạng quá tải khiến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nhà ở cách bãi rác Quang Trung hơn 1 km nhưng ông Nguyễn Hoàng (49 tuổi, ấp Bình Lộc, xã Xuân Thiện) cho hay thường xuyên phải gánh chịu mùi hôi thối. "Thối nhất là lúc sáng sớm và chiều tối, riêng khi trời mưa thì ở trong nhà phải đeo khẩu trang để ngăn mùi thối. Tôi và nhiều người đã phản ánh lên phía chính quyền nhiều rồi nhưng vẫn không khắc phục" - ông Hoàng lắc đầu. Bà Hoa (ngụ ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung) cũng ngán ngẩm cho hay phản ánh mùi hôi từ bãi rác và xe chở rác mãi cũng chẳng thấy cải thiện.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), người dân liên tục phản ánh suối Giao Kèo bị ô nhiễm do hoạt động xả thải của các nhà máy trong Khu Xử lý chất thải tập trung (KXLCTTT) Tóc Tiên (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ). Đỉnh điểm của sự việc là chiều 28-10-2022, bờ tường phía Tây Bắc hồ chứa chất thải của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam nằm trong KXLCTTT Tóc Tiên bị vỡ. Toàn bộ nước thải trong hồ (diện tích khoảng 5.000 m2) chảy ra khu vực xung quanh. Sau đó, nước thải tiếp tục chảy vào phần đất của công ty thuộc quản lý của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật tỉnh rồi chảy ra suối Giao Kèo, hướng về phía đập tràn Châu Pha. Từ sự việc này, người dân đã đề nghị chính quyền các cấp sớm có hướng xử lý ô nhiễm một cách triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống và canh tác. Ngoài ra, ở BR-VT, rác quá tải đe dọa ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở Côn Đảo. Bằng chứng là hiện tại, địa phương này đang tồn hơn 70.000 tấn rác thải chưa được xử lý.

Địa phương sốt ruột

Theo lãnh đạo huyện Côn Đảo, vấn đề xử lý rác thải tại đây đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi mỗi ngày lò đốt tại huyện hoạt động hết công suất cũng chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác, trong khi riêng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hiện vào khoảng 11 tấn/ngày. Theo đó, lãnh đạo địa phương này cũng đang ngày đêm "nóng ruột" trước việc quá tải rác và mong sớm có phương án… giải vây.

Những núi rác gây ám ảnh - Ảnh 3.

Nếu vẫn giữ công suất tiếp nhận như hiện tại, đến cuối năm 2023, Khu Xử lý chất thải Quang Trung sẽ không thể tiếp nhận chất thải sinh hoạt. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Liên quan đến nỗi bức xúc của người dân quanh khu vực "núi rác" Quang Trung, trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, nói việc bãi rác Quang Trung phát tán mùi hôi là có, các cơ quan chức năng của huyện đã ghi nhận bức xúc của người dân về việc này. "UBND huyện đã nhiều lần giám sát, khảo sát về vấn đề môi trường tại bãi rác Quang Trung và đề nghị chủ đầu tư có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, giải pháp bảo vệ môi trường của chủ đầu tư vẫn chưa bảo đảm. Sắp tới, địa phương sẽ kiểm tra, giám sát đề nghị chủ đầu tư có giải pháp rốt ráo. Đặc biệt, yêu cầu chủ đầu tư vận hành máy hút mùi liên tục vì chúng tôi có nghe phản ánh về việc máy hoạt động lúc có, lúc không, do liên quan chi phí vận hành" - Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất nói.

Nói về nỗi bức xúc của người dân chịu ảnh hưởng bởi bãi rác Tân Hưng, ông Thái Minh Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, khẳng định người dân đã nhiều lần phản ánh và chính quyền địa phương cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, ghi nhận. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến UBND huyện Tân Châu cũng như các cơ quan chức năng có liên quan" - ông Điệp nhấn mạnh. Cũng như người dân, lãnh đạo UBND xã Tân Hưng mong các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp để bãi rác Tân Hưng không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Các đơn vị liên quan nói gì?

Trả lời phóng viên liên quan đến bãi rác Tân Hưng, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Tây Ninh cho rằng dự án nhà máy xử lý rác thải tại ấp Thạnh Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, với mục tiêu, quy mô xử lý rác thải công suất 150 tấn/ngày, tổng diện tích là 100.009,3 m2, được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2012. Năm 2017, Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh lập dự án "Nâng công suất và bổ sung loại hình xử lý tại nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh", trong đó nâng công suất xử lý rác thải sinh hoạt từ 150 tấn/ngày lên 300 tấn/ngày, bổ sung loại hình xử lý rác thải nguy hại có công suất 36,6 tấn/ngày. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm nên đã xảy ra tình trạng trên.

Nói về vấn đề môi trường tại bãi rác Tân Hưng, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh thừa nhận chủ đầu tư chưa xây dựng, tách riêng biệt hệ thống thu gom, thoát nước mưa với hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ khuôn viên nhà máy; hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, hư hỏng chưa bảo đảm đạt quy chuẩn quy định; khu vực tập kết, lưu giữ rác thải chưa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật; khu vực lưu giữ rác ngoài trời có thực hiện che chắn bạt HDPE nhưng chưa bảo đảm kín hoàn toàn; chưa xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; chưa xây dựng hồ ứng phó sự cố môi trường nước thải…

"UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2025, tổng lượng chất thải phát sinh là 1.679 tấn/ngày và đến năm 2030 là 2.164 tấn/ngày. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì có nhiều thay đổi, mới đây UBND đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT cùng một số đơn vị có liên quan báo cáo sơ kết đánh giá tình hình thực hiện, phải nêu rõ mặt làm được, cũng như những bất cập; đồng thời căn cứ tình hình hiện nay và nhu cầu phát triển trong thời gian tới, nhất là nhu cầu phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ tăng lên để làm cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh liên quan đến vấn đề xử lý rác một cách bài bản, căn cơ" - lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết.

Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi - chủ đầu tư Khu Xử lý chất thải Quang Trung, cho biết đang tăng cường độ hoạt động của các hệ thống xử lý nhằm giảm tối đa mùi phát sinh từ hoạt động xử lý. Nói về lý do quá tải, chủ đầu tư cho biết so với quy hoạch ban đầu (năm 2009) của khu xử lý thì khối lượng chất thải hiện tại tăng gấp 6 lần. Điều này đã khiến tiến độ sử dụng các ô chôn lấp hợp vệ sinh để chôn lấp rác trơ tăng nóng, cùng với đó, hạ tầng xử lý, hệ thống xử lý nước thải của dự án luôn phải vận hành tối đa công suất… "Nếu vẫn giữ công suất tiếp nhận chất thải như hiện tại, đến cuối năm 2023, khu xử lý này sẽ không thể tiếp nhận chất thải sinh hoạt của tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh" - chủ đầu tư cho hay. Theo chủ đầu tư, đơn vị này đã làm thủ tục xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch của khu xử lý nhưng chưa được phê duyệt nên chưa thể thi công ô chôn lấp mới, dẫn đến tình trạng quá tải. 

Ưu tiên công nghệ hiện đại

UBND tỉnh BR-VT vừa giao các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình xử lý CTRSH từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa ký quyết định ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện trong KXLCTTT Tóc Tiên và dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo