Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho hay trên địa bàn TP HCM có 5 đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố.
5 đơn vị gồm Công ty cổ phần Vietstar (Vietstar), Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Tâm Sinh Nghĩa), Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố.
Sở Tài nguyên – Môi trường đã đề nghị các đơn vị thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến có thu hồi năng lượng từ năm 2017-2018. Tuy nhiên, đến nay chỉ có dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
TP HCM vẫn chờ công nghệ đốt rác phát điện.
Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa hoàn thành đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thiết kế kỹ thuật nộp đề nghị thẩm định tại Bộ Xây dựng trong vòng 90 ngày. Đồng thời, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trong trường hợp có phát sinh vướng mắc để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Sở Tài nguyên - Môi trường nhận thấy chỉ có dự án chuyển đổi công nghệ của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025 trong trường hợp hai công ty nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án trong năm 2023. Sau đó, triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 đến 24 tháng.
Một trong những vấn đề khó khăn có khả năng cao xảy ra đó là việc đàm phán đơn giá xử lý khi thực hiện chuyển đổi công nghệ của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (đơn vị vận hành khu xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh) khó đi đến thống nhất vì công ty đang đề xuất đơn giá xử lý khá cao so với các dự án có cùng công nghệ hiện đang triển khai và đã đi vào hoạt động.
Cùng với việc dự án xử lý rác mới kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP vẫn đang ở bước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế có khả năng cao không đạt 80% tại thời điểm cuối 2025 theo chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 được thông qua tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường nhận thấy cần thiết phải gia hạn thêm thời gian thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ của các đơn vị xử lý rác do các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý dự án, bao gồm thời gian chờ Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Sở Tài nguyên – Môi trường kiến nghị UBND TP HCM xem xét, trình Ban Thường vụ Thành ủy về việc gia hạn thời gian hoàn thành tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt 80% thêm 2 năm, tức đến năm 2027 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.
Bình luận (0)