Nêu vài chuyện trên để thấy rằng nông dân Việt Nam rất thông minh, cần cù và luôn sẵn sàng làm giàu trên mảnh đất của cha ông để lại. Thế nhưng phần đông họ vẫn rất khó khăn, nền nông nghiệp vẫn còn lạc hậu nên dễ bị tổn thương khi xảy ra biến động thị trường dù là trong nước hay quốc tế. Vấn đề xót xa này lặp đi lặp lại qua nhiều năm và nay đang diễn ra khá nặng nề.
Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao; giá xăng dầu chưa giảm sâu, nhiều mặt hàng nông sản còn ùn ứ, giảm giá... đang "ăn" vào lợi nhuận của người nông dân vốn không nhiều nhặn gì. Cầm cự trong thời gian ngắn có thể được nhưng nếu kéo dài sẽ tác động sâu rộng đến cả nền nông nghiệp, gây khó khăn cho cả triệu gia đình nông dân và có nguy cơ tác động xấu đến cả nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn.
Không ít hội thảo cấp quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp và xa hơn là biến ngành này thành mũi nhọn kinh tế thế mạnh của đất nước chứ không chỉ là bảo toàn đời sống của người nông dân vốn chiếm đến 65% dân số. Giải pháp có nhưng thực hiện khó, bởi ngành nông nghiệp của ta hiện nay ít được hỗ trợ đắc lực của những ngành kinh tế khác. Nghiêm trọng hơn là ngành nông nghiệp còn phụ thuộc quá nhiều vào con đường nhập khẩu. Máy móc thiết bị để hiện đại hóa nông nghiệp phải nhập khẩu. Cây, con giống phần lớn cũng nhập khẩu hoặc mua lại của các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Chỉ riêng phân bón, năm 2021, chúng ta phải nhập hơn 4,5 triệu tấn (1,45 tỉ USD); khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (gần 1 tỉ USD), đó là chưa kể cây, con giống, máy móc nông nghiệp và các loại vật tư khác.
Còn thị trường thì sao? Phần lớn là xuất tiểu ngạch nên khi gặp sự cố như việc đưa nông sản qua Trung Quốc hiện nay thì lập tức người nông dân khốn đốn. Nhiều người thỏa mãn với con số xuất khẩu nông sản khoảng 50 tỉ USD mỗi năm (chiếm phần lớn trong số này là thủy sản) nhưng quên rằng con số này còn thấp so với lực lượng tham gia sản xuất và không tương xứng với tiềm năng, tài nguyên nông nghiệp ta hiện có.
Nền nông nghiệp không thể lớn mạnh khi những ngành bổ trợ thiết yếu như cơ khí, sinh học, hóa học, kinh tế học... không phát triển vượt lên để hiện đại hóa toàn ngành. Hãy nhìn trên cánh đồng, thật hiếm hoi để tìm được một thiết bị cơ khí "Made in Việt Nam". Công nghệ bảo quản, chế biến, đóng gói... cũng phần lớn của nước ngoài. Ngay cả mô hình kinh tế nông nghiệp khép kín từ giống, sản xuất, đến xuất khẩu ở những vùng chuyên canh như Đà Lạt, các tỉnh miền Tây... cũng còn rất ít để đủ sức cạnh tranh với các nước cùng khu vực.
Không còn cách nào khác, muốn hiện đại hóa ngành nông nghiệp thì chúng ta phải chủ động nguồn giống, thiết bị máy móc, vật tư sản xuất... Đây là những vấn đề nan giải nhưng bắt buộc phải thực hiện nếu muốn thoát được nền nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào nước ngoài để vươn lên thành ngành kinh tế vững chắc trước những biến động của thị trường thế giới.
Bình luận (0)