xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Ông bạn già và những cuốn sách trong đời

Bài và ảnh: THANH HUY

"Phải chi lúc đó không phải chiến tranh, nơi đó không phải chiến trường thì biết đâu tau và người lính Mỹ kia đã được ngồi cùng nhau để nói về "Gót sắt" và có khi trở thành bạn vì cùng mê một cuốn sách như tau với mày bây giờ, chớ đâu phải một mất một còn..."

Ấn tượng ban đầu của tôi về ông đó là một ông già hơi dị hợm với râu ria xồm xoàm có lẽ đã nhiều năm trời chưa cắt tỉa. Mọi người gọi ông là ông Sáu, bán hủ tiếu gõ ở lề đường. Dù khi đó tôi mới đôi mươi, còn tuổi của ông thì đã ngoài sáu chục nhưng đi đâu ông cũng giới thiệu với mọi người tôi là bạn của ông; ông là ông bạn già, còn tôi là anh bạn trẻ. Tôi cười rằng tôi và ông là bạn sách. Nói đúng hơn tôi và ông kết bạn từ chung một niềm đam mê đọc sách. Với ông, sách dường như không chỉ đơn thuần là tư liệu mà có những cuốn đã gắn liền với cả một miền ký ức, cả một quãng đời và cả cái duyên để chúng tôi thành bạn của nhau.

Cuốn sách kết thân bên xe hủ tiếu gõ

Mười mấy năm trước, tôi lần đầu tiên đặt chân tới TP HCM để bắt đầu cho những tháng năm gắn bó với giảng đường đại học. Tôi sống trong một phòng trọ nhỏ gần khu chợ cóc ở quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) và làm gia sư vào ban đêm để kiếm tiền trang trải cho việc học.

Ngày nào cũng vậy, tôi kết thúc công việc khi đường phố bắt đầu thưa vắng, chỉ còn ánh đèn đường vàng vọt soi lên những phận người mưu sinh lặng lẽ giữa đêm khuya. Từ chỗ dạy tôi đi bộ về phòng trọ tầm hơn cây số, băng qua một con hẻm dài thì tới khu chợ cóc. Khi các hàng quán đóng cửa, chợ cũng vắng tanh, hiu hắt, thỉnh thoảng vài chiếc xe lướt qua với những hình ảnh, thanh âm quen thuộc của đất Sài thành. Đó là xe của những cặp đôi chở nhau dạo phố rồi mất hút giữa màn đêm, những công nhân tăng ca về muộn, vài chiếc xe đạp cà tàng chở theo cái sọt lớn của những người nhặt ve chai và thanh âm vang vang trầm mặc của chiếc xe bán bánh giò giữa phố phường vắng lặng.

Xe hủ tiếu gõ của ông Sáu nằm nép mình cạnh một bức tường bên hông chợ, tôi thường ghé ăn chống đói sau một ngày dài học hành và bươn chải. Chiếc xe đẩy chở nồi nước lèo nghi ngút khói cùng ba cái bàn và vài chiếc ghế nhựa. Khách gọi hủ tiếu ngồi ăn ở hai bàn gần xe nước lèo, cái bàn còn lại được đặt ở một góc xa hơn, ngay bên dưới bóng đèn đường. Khi khách đông thì cái bàn ấy để khách ngồi ăn, khi vắng khách tôi thường thấy ông Sáu ngồi ở đấy, trên tay cầm cuốn sách. Nhiều lần như vậy, tôi để ý thì biết ông đang đọc cuốn "Những con chim ẩn mình chờ chết" của nữ văn sĩ Colleen McCullough.

Một lần, sau khi ăn hủ tiếu xong, tôi lân la đến bắt chuyện với ông để rồi sau đó mỗi tối tôi và ông cùng say sưa nói chuyện về những cuốn sách, về cuộc sống cho đến một ngày nhận ra tôi và ông thân nhau tự lúc nào. Ban đầu, tôi ăn hủ tiếu ông còn lấy tiền, sau này mỗi khi tôi trả tiền hủ tiếu thì ông nói bằng chất giọng Quảng Ngãi rặt ri: "Cất đi, tau với mày mà tiền bạc chi nữa, bữa nào rảnh cứ ghé ăn hủ tiếu rồi ngồi tâm sự chuyện sách, kể nhau nghe chuyện ngoài đời là coi như đủ rồi".

Cuốn sách nơi bom đạn Trường Sơn

Tôi và ông Sáu hủ tiếu thân nhau một thời gian thì tôi mới biết ông tên thật là Vũ Văn Tính, nguyên là cán bộ của một VKSND huyện ở Quảng Ngãi. Sau khi nghỉ hưu ông vào TP HCM cùng vợ bán hủ tiếu gõ để nuôi 2 đứa con ăn học. "Bả về hưu trước nên vào đây để bán hủ tiếu nuôi hai đứa nhỏ, còn tau thì sau khi nghỉ hưu ở quê một mình buồn quá nên cũng khăn gói vào đây cùng bả bán hủ tiếu cho cả nhà được sum họp. Rồi con cái ra trường, lập gia đình ở đây nên hai vợ chồng già gắn bó luôn với mảnh đất này" - ông Sáu tâm sự.

Ngược thời gian, ông Sáu kể một thời thanh niên cũng từng mê đọc sách, "nhưng hồi đó vì bom đạn chiến tranh nên tụi tau làm gì có được nhiều cơ hội tiếp cận sách như bây giờ". Mười ba tuổi, ông đã xung phong vào du kích xã để góp sức cùng các anh, các chú chống giặc Mỹ. Mười bảy tuổi ông đã được kết nạp Đảng và bắt đầu gia nhập vào Ban Giao thông Vận tải Khu 5 để tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trường Sơn.

"Nếu kể về nỗi vất vả, thiếu thốn của những người lính Trường Sơn thời đó thì có lẽ chưa cuốn sách nào kể hết. Từ những trận sốt rét rừng đáng sợ cho đến những lằn ranh sinh tử dưới bão đạn mưa bom, phải nén lòng cầm cự dưới chiến hào bằng chút nước, nắm cơm còn chan máu của đồng đội mình vừa ngã xuống..." - đang kể thì người lính già chùng giọng rồi thả trôi ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Lặng một hồi lâu, ông nói tiếp: "Với bộ đội Trường Sơn thì những vất vả, thiếu thốn ấy không thể mài mòn ý chí. Người lính Cụ Hồ vẫn có thời gian thư giãn, đàn hát, cười đùa và những phút giây thả lòng theo từng trang sách. Tụi tau thời đó xem sách quý hơn vàng, có được một cuốn sách là chuyền tay nhau đọc, tối ngủ là cuốn sách xếp gọn vô balô gối đầu để kịp mang theo khi hành quân vội vã".

Ông Sáu trầm ngâm rồi kể: "Lần đó, tau đang trên đường xuyên rừng làm nhiệm vụ thì bắt gặp người lính Mỹ ngồi đọc sách dưới một gốc cây ven bờ suối. Thời chiến tranh ác liệt mà, đã ra chiến trường thì hai phía là kẻ thù và luôn nhìn nhau bằng mũi súng, hoặc mình bắn nó hoặc nó bắn mình. Rồi người lính Mỹ kia ngã gục sau một phát đạn khi còn đang say sưa đọc sách. Trong những thứ quân trang bị tước đi có cả cuốn sách kia mà sau này giải phóng tau nhờ dịch mới được biết đó là cuốn "Gót sắt" (The Iron Heel) của Jack London mà chính bản thân tau cũng từng say sưa đọc bằng phiên bản tiếng Việt". Giọng ông Sáu chợt nghẹn đi: "Chiến tranh đáng sợ thật. Phải chi lúc đó không phải chiến tranh, nơi đó không phải chiến trường thì biết đâu tau và người lính Mỹ kia đã được ngồi cùng nhau để nói về "Gót sắt" và có khi trở thành bạn vì cùng mê một cuốn sách như tau với mày bây giờ, chớ đâu phải một mất một còn...".

Những trang viết còn dang dở...

Rồi tôi ra trường, cơ quan nơi tôi làm nằm ở trung tâm thành phố nên không còn ở khu trọ cũ. Càng ngày tôi càng thêm bận rộn với guồng quay của công việc nên cũng thưa dần những buổi gặp mặt trò chuyện với ông bạn già bên xe hủ tiếu gõ. Có lần tôi ghé qua thăm, ông hờn cũng bằng chất giọng Quảng Ngãi rặt ri: "Giờ làm quan, đi ăn nhà hàng nên quên xe hủ tiếu gõ rồi hỉ". Nói vậy thôi chớ tôi biết ông đâu có giận. Rồi dưới ánh đèn đường, bên xe hủ tiếu gõ, một trẻ, một già lại ngồi kể chuyện đời, chuyện sách, chuyện xưa.

Một ngày nọ nhận tin ông bị bệnh, tôi vội vã đến thăm. Ngồi trên chiếc xe lăn với một bên thân bị liệt, đôi mắt ông vẫn sáng bừng khi gặp lại "anh bạn trẻ" dù giọng còn run: "Bị gần hai tháng rồi, tau tưởng đâu chuyến này đi luôn không được gặp mày rồi". Rồi ông lại tập nói, tập đi, lại dần huyên thuyên chuyện sách, chuyện đời mỗi khi tôi ghé.

Ông nói từ bữa bệnh, không đi đâu nên lại có thêm thời gian để đọc và bắt đầu "tập viết". Ông viết về nỗi nhớ quê, về đồng đội, về kỷ niệm của một thời xẻ dọc Trường Sơn và về bản thân mình. Rồi ông tập sử dụng mạng xã hội để sẻ chia những cảm xúc, để kết nối lại những đồng đội còn sống của Ban Giao thông Vận tải Khu 5 ngày nào và để ấp ủ cho những trang viết muộn. Ông cười: "Nào giờ toàn đọc sách của người ta viết, biết đâu sau này tau in sách cho người ta đọc. Nhờ sách mà tạo nên tình bạn của một trẻ một già, biết đâu sau này sách của tau tạo thêm nhiều tình bạn khác, để xóa nhòa đi nỗi ám ảnh của thời chiến tranh".

Dưới ánh đèn đường, một già một trẻ cạnh xe hủ tiếu gõ vẫn sùng sục sôi trên bếp lửa cháy hồng... 


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Ông bạn già và những cuốn sách trong đời - Ảnh 1.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo