Chiều 22-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Theo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Đoàn giám sát; Phó trưởng Đoàn Thường trực là ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Qua đó, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Về nội dung giám sát, Nghị quyết Quốc hội nêu rõ đối với thị trường bất động sản, sẽ làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản. Làm rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Đối với phát triển nhà ở xã hội, Đoàn giám sát sẽ giám sát chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.
Trước đó, thảo luận về chương trình giám sát của Quốc năm 2024, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) tán thành đưa chuyên đề về chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan vào chương trình giám sát.
Vị đại biểu đề nghị chương trình giám sát cần tập trung hơn về việc phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Theo đại biểu Hoàn, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã dần hoàn thiện. Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. "Còn tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm lượng người tham gia mua thấp, trong khi đó có nơi lượng người tham gia mua lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội còn gây nhiều dư luận khác nhau" - đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu quan điểm.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị nội dung giám sát cần làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được trợ cấp và hỗ trợ thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao?
Đại biểu Hoàn cũng đề nghị khi tiến hành giám sát về phát triển nhà ở xã hội cần có đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất khu vực nhà ở xã hội; điều kiện về hạ tầng như chợ, trường học, sân chơi thể thao, địa điểm văn hóa; khả năng kết nối giữa các khu vực nhà ở xã hội với các khu vực khác.
Bình luận (0)