Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nông dân trồng lúa luôn chịu thiệt hại do rủi ro về thời tiết.
Nhà nước cũng thiệt
Nhà nước đầu tư kinh phí rất lớn để làm thủy lợi, đem nước ngọt về cho nông dân trồng lúa tại vùng mặn nhưng vẫn phải gánh những thiệt hại to lớn do thiên tai, hạn mặn, như năm 2016 đã tàn phá hơn 200.000 ha lúa của vùng ĐBSCL.
Tôm càng xanh có thể chịu được độ mặn từ 3‰-4‰ nên thích hợp thả nuôi trong điều kiện xâm nhập mặn ở ĐBSCL Ảnh: THANH VÂN
Trong khi đó, năm 2017-2018, xuất khẩu tăng rõ rệt, nhất là mặt hàng trái cây nhiệt đới và thủy sản - 2 mặt hàng luôn được nông dân sản xuất tự phát, manh mún, không có kinh phí đầu tư của nhà nước.
Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời được đánh giá như "liều thuốc" mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như phá vòng luẩn quẩn cho cây lúa. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt nghị quyết này, các địa phương phải giảm diện tích lúa để trồng cây gì có giá trị cao hơn nhưng tiêu tốn nước ngọt ít hơn hoặc nuôi thủy sản nước mặn có giá trị cao.
Các địa phương đang rất lúng túng, vì "trồng cây gì" hoặc "nuôi con gì" đều phải bảo đảm có người tiêu thụ chắc chắn, nếu không thì vẫn cứ phải trồng lúa mới giữ vững được chỉ tiêu pháp lệnh GDP, mà như thế thì lại trở về đường cũ, lợi tức của nông dân không tăng bao nhiêu. Thể hiện hướng đi đang bị tranh cãi này là dự án sông Cái Lớn - Cái Bé.
Để phá vòng luẩn quẩn của cây lúa, nhất thiết các địa phương cần có tầm nhìn cao hơn và rộng hơn, phải thấy rằng không chỉ có cây lúa mà còn có những cây trồng, vật nuôi giá trị cao hơn lúa.
Chúng ta sản xuất lúa vừa phải để bảo đảm an ninh lương thực, ngoài diện tích này nên để cho nông dân làm giàu bằng cách sử dụng đất cho mục đích khác. Nói cách khác, chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng, thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. Cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp nhằm bố trí những vùng lúa nào cần thay thế để tìm và khuyến khích các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nước ngoài, đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn.
Bây giờ chúng ta mới thấy vai trò rất quan trọng của các DN có công nghệ chế biến và khả năng tiêu thụ nông sản, không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 120. Không có DN thì sẽ không có đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Biến thách thức thành cơ hội
Trong điều kiện hiện nay, các địa phương cần hướng nông dân sản xuất theo kiểu thích ứng cho từng vùng cụ thể.
Ở các tỉnh thường chịu ảnh hưởng của nước mặn như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau và Kiên Giang, nên phát triển mạnh về con tôm. Những chỗ mặn quá thì chờ mưa xuống trồng lúa hoặc có giếng thì bơm lên pha với nước mặn để nuôi tôm.
Thực tế cho thấy những nơi vừa thu hoạch lúa, nông dân thả nuôi tôm thì rất trúng mùa. Sóc Trăng đang thả tôm càng xanh vì có thể chịu được độ mặn từ 3‰ đến 4‰. Đây được xem là mô hình biến thách thức thành cơ hội làm giàu cho nông dân.
Có thể khẳng định từ khi Nghị quyết 120 ra đời là tín hiệu vui cho nông dân, vì mọi người không phải chỉ biết trồng lúa để rồi nhà nước tốn thêm kinh phí cực lớn làm những công trình dẫn nước ngọt nuôi cây lúa cho vùng mặn nữa. Tại sao trong lúc thiếu nước ngọt mà phải chia cho vùng mặn bằng hệ thống kênh mương khá tốn kém để rồi cả 2 vùng đều thiếu nước ngọt.
Hiện ở vùng Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có nước mặn vào thì nông dân chuyển qua trồng dừa thay lúa, vì dừa chịu hạn và mặn rất tốt. Ngay cả tỉnh chịu hạn mặn gay gắt không thua gì ĐBSCL như ở Phú Yên thì họ trồng cây bo bo nhằm chiết xuất thành ethanol để pha vào xăng; phần bã được đem vào lò đốt lấy hơi nước chạy tuabin cho nhà máy sản xuất điện. Đây là đề án do nhóm chúng tôi đang triển khai và sẽ tiếp tục xin đầu tư mở rộng cho các vùng khác trên cả nước, nhất là tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, vì giá trị kinh tế của nó còn cao hơn cả con tôm và cây lúa.
Dồn điền để sản xuất lớn
Để thực hiện tốt Nghị quyết 120, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chỉnh lại quy hoạch một cách phù hợp theo hướng xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa thì không nên cưỡng thiên nhiên như thời gian trước đây, để rồi tiêu tốn ngân sách quá nhiều mà lợi ích cho nông dân không được bao nhiêu. Nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển thành công trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu, nếu nhà nước tạo chính sách phù hợp để gắn kết nhà nông và DN.
Chúng ta hy vọng những khu công nghiệp rau quả hoặc thủy sản sẽ bắt đầu hình thành. Đồng ruộng đổi mới sẽ nhanh chóng được dồn điền, đổi thửa, liên kết với các DN đầu tư để mọc lên những nhà máy hiện đại chế biến nông sản và các phụ phẩm nông sản bên cạnh vùng nguyên liệu rộng lớn với cấu trúc hạ tầng hiện đại do những nông dân đổi mới canh tác theo kỹ thuật nuôi trồng an toàn hiện đại.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)