Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc vào sáng 9-10 về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tiếp tục đổi mới tư duy trong phòng chống dịch.
Theo đó, các địa phương cần ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; triển khai tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc, trong đó có vấn đề đi lại của doanh nghiệp và người dân.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, một trong những thay đổi chiến lược đúng đắn của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch là chuyển từ mục tiêu "zero Covid-19" sang sống chung với Covid-19 an toàn cho mỗi cá nhân và cộng đồng.
Chiến lược đó đúng đắn, khi ca nhiễm của TP HCM, hệ số lây lan và cả ca tử vong đều giảm.
Rất tiếc, trong khi đó, nhiều địa phương vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của chiến lược này khi mỗi nơi chống dịch mỗi kiểu, làm ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế, mà Thủ tướng đã nhắc trong cuộc họp sáng 9-10 khi yêu cầu quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.
Việc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phòng chống dịch trong những ngày qua khi đón hàng vạn người dân "quy cố hương", cho thấy lãnh đạo nhiều tỉnh thành chưa thay đổi tư duy chống dịch, nhiều địa phương vẫn cách ly tập trung với người đã tiêm 1 hay cả 2 liều vắc-xin, làm quá tải và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.
Rất may là ngày 6-10, Bộ Y tế đã có công văn nêu rõ người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi Covid-19, những người đã tiêm 1 liều vắc-xin, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Nhờ vậy, đến ngày 7-10, nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đã áp dụng biện pháp của Bộ Y tế, như An Giang, Kiên Giang... chỉ cần test nhanh âm tính là cho cách ly tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương áp dụng nội dung công văn này khác nhau, cách ly "cả cụm", gây lãng phí ngân sách và dễ lây nhiễm chéo.
Cần tạo điều kiện cho người dân đi lại
Trong lần tiếp xúc cử tri với các Đại biểu Quốc hội vừa qua ở quận Bình Tân (TP HCM), cử tri cũng đề nghị chính quyền có "luồng xanh" để tạo điều kiện cho bà con đón hơn 100.000 học sinh đang tránh dịch ở các địa phương về TP HCM học tập. Hiện các thủ tục mà TP HCM cho các doanh nghiệp, công dân đi lại đến các tỉnh thành khác vẫn còn rườm rà, quá kỹ nhưng lại bị một số địa phương khác không chấp nhận!
Nhiều chuyên gia đề xuất chỉ cần "thẻ xanh Covid-19" và xét nghiệm âm tính là đủ. Điều kiện này tương tự như "hộ chiếu vắc-xin". Hiện Bộ Y tế chỉ mới hướng dẫn xét nghiệm, cách ly khi di chuyển giữa các vùng nguy cơ mà chưa có quy định rõ ràng các trường hợp người ở vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về các địa phương có tình hình dịch khác nhau.
Yêu cầu hiện nay ở thời điểm bắt đầu thời kỳ "hậu Covid-19", Bộ Y tế cần ban hành một bộ tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 áp dụng trên toàn quốc, càng sớm càng tốt, đặc biệt để các doanh nghiệp tái hoạt động thuận lợi mà đảm bảo các yêu cầu về phòng dịch.
Nếu chúng ta có bộ tiêu chí này thì TP HCM đâu có phải bận tâm xây dựng kế hoạch đi lại giữa TP HCM và 4 tỉnh lân cận là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, mà cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Bộ tiêu chí này nếu được các địa phương liên quan đồng thuận, cũng chỉ có giá trị ở các địa phương này. Trong khi đó, trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp tại TP HCM chẳng hạn, lại có nhiều liên quan mật thiết tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… thì phải làm sao? Rồi đây, chẳng lẽ 13 tỉnh ĐBSCL lại cùng nhau ban hành một bộ tiêu chí riêng cho khu vực; và nếu TP HCM không đồng thuận với bộ tiêu chí đó thì cũng sẽ ách tắc.
Nếu Bộ Y tế có bộ tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 áp dụng trên toàn quốc thì làm gì có chuyện Hà Nội từ chối kế hoạch bay của Cục Hàng không đến sân bay Nội Bài như hiện nay, dẫn đến "luồng xanh bay" tắc tị, để Chính phủ phải can thiệp. Mà Nội Bài tắc thì hàng loạt các tỉnh phía Bắc tắc.
Ngay cả khi Hà Nội chấp nhận cho Cục Hàng không nối chuyến bay đến Nội Bài, Hà Nội lại có những quy định riêng của mình, như khách đến từ TP HCM (vùng có nguy cơ cao) phải cách ly tập trung 7 ngày (phải trả chi phí), sau đó cách ly 7 ngày tại nơi lưu trú. Những quy định này làm cản trở ngành hàng không tái khởi động sau một thời gian "liệt giường"!
Cũng dễ hiểu sự khác nhau về các quy định phòng chống dịch, là do phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm chống dịch cho địa phương, nên nhiều lãnh đạo địa phương sợ trách nhiệm.
Nhưng một khi Chính phủ đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch, bắt buộc phải sống chung an toàn với Covid-19, thì tư duy phải khác. Cần phải vượt qua nỗi sợ hãi để tìm cách mở cửa phát triển kinh tế, khi mà nhiều tỉnh thành đã thực hiện việc giãn cách xã hội quá lâu, sản xuất, thương mại bị đình đốn.
Chúng ta cần sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" trong đi lại trên toàn quốc. Đó là cách nhiều quốc gia ở châu Âu đã làm; Mỹ cũng vừa công nhận "hộ chiếu vắc-xin" cho người đã tiêm đủ vắc-xin các loại đã được WHO phê duyệt nhập cảnh.
Chúng ta đã chấp nhận sống chung với Covid-19 an toàn cho cá nhân và cộng đồng thì rất cần một bộ tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 áp dụng trên toàn quốc. Song song đó, cần triển khai ngay những công việc được coi là "mới" nhưng thực ra nhiều quốc gia đã áp dụng, như cho các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tự làm test nhanh Covid-19; cho phép bán các bộ test nhanh kháng nguyên trong các nhà thuốc để người dân tự tầm soát dịch bệnh và cơ quan y tế cần công nhận kết quả test nhanh này…
Đã sống chung thì phải chấp nhận có ca Covid-19 mới trong cộng đồng. Vấn đề là năng lực hệ thống y tế cộng đồng, năng lực trong công tác phòng chống dịch phải nâng cấp. Cả việc nâng cấp trách nhiệm của chính quyền các địa phương, đặc biệt cần vượt qua những nỗi sợ hãi vô hình để sống chung với Covid-19 một cách khoa học và an toàn.
Bình luận (0)