Sau một tuần lễ lúng túng, vất vả ứng phó trước hàng trăm ngàn người từ TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ kéo về quê, các địa phương đã chủ động đón dân, ổn định tình hình, vừa bảo đảm phòng dịch vừa lo an dân.
Hết cảnh "người gật, kẻ lắc"
Chính quyền và lực lượng chức năng một số địa phương, dù không khuyến khích người dân di chuyển trong điều kiện mất an toàn nhưng cũng đã chủ động tổ chức đón tiếp, chăm lo cho người dân trở về từ vùng có dịch. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1625/CĐ-TTg ngày 30-9-2021, Văn phòng Chính phủ có Công điện số 122 DK ngày 1-10 về việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã tỏ ra lúng túng, bị động, áp dụng các biện pháp kiểm soát hành chính nghiêm ngặt để ngăn chặn, tạo ra cảnh "người gật, kẻ lắc" trước dân.
Sau tuần lễ vất vả ứng phó thì nay hầu hết địa phương đã chủ động sắp xếp, bố trí, thực hiện tốt hơn các tiêu chí phân loại, quản lý chuyên môn của Bộ Y tế cùng các biện pháp phòng chống dịch và giúp dân sớm ổn định đời sống. Bộ Y tế cũng đã quyết định phân bổ 20 triệu liều vắc-xin để hỗ trợ các địa phương tăng cường tiêm ngừa Covid-19.
Do số người dân, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá đông đã tạo ra áp lực lớn cho các địa phương và lực lượng chức năng. Nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận hệ quả trên là do sự thiếu chủ động nắm tình hình, nắm bắt tâm tư của người dân chưa tốt, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các địa phương với TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, qua các hội đồng hương để chủ động dự báo tình hình, chuẩn bị tốt các kịch bản ứng phó. Nhiều nơi vẫn có tâm lý xem người lao động ngoại tỉnh, từ vùng có dịch về là "nguồn lây" hơn là "nguồn lực" lao động cần được chăm lo.
Tình hình căng thẳng do làn sóng "hồi hương" của người lao động đã tạm ổn nhưng vẫn chưa hết vướng mắc nếu sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng chưa thông. Trước tiên là đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn, thông suốt cho người dân. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ ràng mang tính sửa đổi các tiêu chí, quy định về kiểm soát dịch nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất cho người dân di chuyển giữa các địa phương. Trong khi các tỉnh đều đã thống nhất áp dụng theo Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 19 cho "trạng thái bình thường mới" nhưng việc đi lại vẫn bị tắc nghẽn do hàng rào kiểm soát bất nhất giữa các tỉnh, thành.
Công an tỉnh Tiền Giang hỗ trợ người dân miền Tây về quêẢnh: Trọng Tín
Sức hút thị trường lao động tương lai
Việc lao động ngoại tỉnh về quê, dù là do người dân tự phát hay được chính quyền chủ động tổ chức đón tiếp, cần được xem xét trên nhiều bình diện khác nhau. Cần bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh dịch tễ, quản lý dân cư, đến các giải pháp kinh tế, bố trí lại việc làm, cân đối thị trường lao động. Đặc biệt là rất cần sự tiếp cận tổng thể, đa ngành, phối hợp giải quyết liên ngành, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng phải tính đến các phương kế lâu dài.
Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh, khiến nhiều người bấp bênh nơi đô thị.
Đặc biệt, nông thôn đang thiếu vắng doanh nghiệp, không có nhiều cơ hội việc làm nên không có gì lạ khi phần lớn nông dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi, bỏ ruộng đồng di cư lên thành phố mưu sinh. Trong 10 năm qua, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 1,3 triệu người rời bỏ vùng này, nhiều nhất là đến TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Cần xây dựng lại hình ảnh một TP HCM an toàn, loại bỏ các khái niệm "vùng dịch, ổ dịch" khi độ che phủ vắc-xin của thành phố đã đạt tới mức miễn dịch cộng đồng. Việc vẫn còn phát sinh các ca dương tính mới cần được xem là tất nhiên theo cách tiếp cận "sống chung với virus" để tăng cường 5K, chuyển đổi các hành vi giao tiếp an toàn. Cần xây dựng lại một hình ảnh miền Đông năng động và miền Tây "đất lành chim đậu".
Phải xây dựng lại niềm tin trong lòng người lao động ngoại tỉnh, xem sự dịch chuyển lao động giữa các vùng miền Đông - Tây - TP HCM là sự vận hành tất yếu của một thị trường lao động lành mạnh, có kiểm soát theo quy luật chứ không thể bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc. Trong đó, phải xây dựng cho được lực hút bằng "sức cầu" lao động vững chắc với nhiều chỗ làm, việc làm bền vững, giảm tối đa "lực đẩy" lao động bởi các yếu tố bất lợi, trong đó có yếu tố thiên tai, dịch bệnh.
Để "hồi hương" không phải là chọn lựa chẳng đặng đừng của nhiều lao động làm thuê, cần tạo dựng niềm tin nơi người dân, phải có "luồng xanh" 2 chiều cho người lao động.
Thách thức cho TP HCM và các tỉnh miền Đông
Cuộc di chuyển dân cư lớn lần này đặt ra nhiều thách thức để chính quyền các địa phương miền Tây, nơi có nhiều lao động xuất cư thời gian qua, tăng cường đầu tư nhiều hơn để giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm. Vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức cho TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ khi khoảng 2 thập niên qua có quá nhiều sức hút, nay có thể bị thiếu lao động.
Cần xem đây là lúc để rà soát chính sách, bố trí lại cơ cấu lao động bảo đảm yêu cầu phát triển cân đối, tính toán phương kế lâu dài cho một thị trường lao động đang rất bấp bênh, chông chênh, thiếu phối hợp giữa các địa phương trong cả nước.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ DNTN Vận tải Hoàng Long (tỉnh Bình Thuận):
Không thiếu phương tiện đưa người về quê
Nhìn từng đoàn người dìu dắt nhau về quê trong mưa bão thật khó cầm lòng. Thấy nhiều cháu bé lạnh run trên đường mà thương. Phải thừa nhận lãnh đạo một số địa phương điều hành không tốt việc hỗ trợ công dân trở về. Nhiều nơi đã vô cảm, không những không giúp mà còn phạt nặng họ khi qua địa phương.
Nay Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo rất rõ, việc trở về của người dân là chính đáng, các địa phương phải hỗ trợ nhanh chóng, tổ chức đưa đón đàng hoàng bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy vậy, việc đi xe máy cả ngàn cây số rất mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn. Hiện nay, tại nhiều địa phương không thiếu các phương tiện giao thông công cộng đang phải nằm bãi vì chưa được hoạt động. Hệ thống tàu hỏa cũng rảnh rỗi, nhà ga rộng rãi tạm ngừng hoạt động. Các phương tiện này cần được huy động đưa người dân về quê, vừa an toàn vừa kiểm soát được dịch bệnh. Việc này cũng không quá tốn kém đối với ngân sách, huống gì là việc cần làm và phải làm để giúp người dân.
Bà Lý Thụy An, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp ở KCX Linh Trung (TP HCM):
Hãy để họ được nghỉ ngơi
Trải qua đợt dịch bệnh này chúng ta mới thấy được rõ ràng hơn những thiệt thòi của người lao động nhập cư. Thiếu chỗ ở ổn định, tích lũy không nhiều, việc làm bấp bênh... nên khi xảy ra một sự cố thì họ lâm vào khó khăn rất lớn.
Người lao động về quê là lựa chọn cần thiết lúc này và chỉ quê hương, họ hàng, người thân mới xoa dịu được những khó khăn mà họ đã trải qua. Về quê, họ có được một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi, sắp xếp công việc, gia đình để bắt đầu lại cuộc sống mới. Trong lúc này, các doanh nghiệp cũng chưa thể hoạt động toàn bộ nên họ ở lại phần lớn cũng chưa thể có việc làm, khó khăn sẽ tiếp tục. Vả lại người lao động cũng cần tính toán những thiệt hơn giữa việc ở các đô thị lớn và tìm việc nơi quê nhà trong thời gian tới.
Gia Khang ghi
Bình luận (0)