Phóng viên: Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, 4.427 người đã được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của biện pháp xác minh kê khai tài sản, thu nhập?
- Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng.
Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập là để xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền có thể nắm được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; thuận lợi hơn trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Hiệu quả thực hiện việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Chính phủ chỉ phát hiện 2 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực trong số hơn 4.400 người được kiểm tra, xác minh. Kết quả này cho thấy tính tuân thủ, sự trung thực của cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên rất nhiều. Điều này có được là nhờ các cơ quan có thẩm quyền đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập một cách quyết liệt, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Có ý kiến cho rằng việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập ở một số nơi, một số cấp còn mang tính hình thức. Kết quả chỉ phát hiện 2 người vi phạm trong số 4.427 người được xác minh cũng khiến nhiều người băn khoăn, thưa ông?
- Hai người vi phạm trong số 4.427 người được xác minh là tỉ lệ rất nhỏ. Ở mặt tích cực, như tôi trao đổi ở trên, kết quả này cho thấy hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập và xác minh bản kê khai từng bước được nâng cao. Mặt khác, việc phát hiện vi phạm với tỉ lệ rất nhỏ đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động xác minh bản kê khai để dư luận đánh giá và tin tưởng hơn.
“Biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, thời điểm bị phát hiện sở hữu khối tài sản lớn bất thường vào năm 2017. Ảnh: MINH PHONG
Thực tế, việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn những hạn chế, tồn tại ở một số khâu, một số cấp, một số cơ quan, đơn vị. Tình trạng nể nang, bao che, xử lý nhẹ tay vẫn còn. Cũng có trường hợp trong cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc thực hiện nghĩa vụ này một cách công khai, minh bạch.
Việc bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã thực hiện được một thời gian. Hình thức này được cho là có ý nghĩa răn đe đối với cán bộ, công chức trong bộ máy?
- Hình thức này là phù hợp trong điều kiện hiện các cơ quan có thẩm quyền không đủ nguồn lực về thời gian, con người để xác minh toàn bộ người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mỗi năm. Việc xác minh ngẫu nhiên nhằm bảo đảm mọi cán bộ trong diện kê khai đều nhận thức được mình có thể được kiểm tra, xác minh bất cứ lúc nào, từ đó có ý thức tự giác, chấp hành nghiêm quy định.
Việc lựa chọn ngẫu nhiên không phải là cơ chế duy nhất để xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Luật Phòng chống tham nhũng quy định các cơ quan kiểm soát tài sản có thể xác minh khi phát hiện dấu hiệu kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; khi người kê khai tài sản bị tố cáo về việc kê khai không trung thực hoặc theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Với cơ chế xác minh như hiện nay chắc chắn sẽ kịp thời phát hiện, xử lý được những người cố ý vi phạm; hạn chế trường hợp kê khai không trung thực; thúc đẩy tính tự giác của người kê khai.
Dù cơ chế đã khá đầy đủ nhưng tính xác thực của bản kê khai cũng như tính trung thực của người kê khai liệu có khó kiểm soát trên thực tế không, thưa ông?
- Bên cạnh việc xác minh bản kê khai để đánh giá tính trung thực của người kê khai, điều cốt lõi cần quan tâm là giải trình về nguồn gốc tài sản. Có những trường hợp sở hữu khối tài sản khổng lồ mà thu nhập từ công việc đang đảm nhận khó có thể có được. Với những trường hợp đó, nếu không giải trình được, cơ quan kiểm tra, xác minh tài sản cần làm rõ "đến nơi đến chốn".
Thực tế, không ít trường hợp tài sản được hình thành từ hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật mà có. Hàng loạt quan chức đến khi hầu tòa mới lộ ra khối tài sản lớn từ việc nhận hối lộ, trục lợi. Đơn cử, liên quan Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, mỗi người đã nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng.
Tại vụ án "chuyến bay giải cứu" đang được đưa ra xét xử, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, khai sau khi nhận hối lộ 42 tỉ đồng đã mang đi mua nhiều bất động sản ở các địa phương. Đây chính là dẫn chứng cho vấn đề mà ông vừa đề cập?
- Đúng vậy! Đó là tài sản hình thành từ tham nhũng mà có. Nếu vụ việc không bị phát giác thì hàng loạt bất động sản của cựu thư ký thứ trưởng này là khối tài sản rất lớn so với vị trí anh ta đảm nhiệm.
Qua đây cũng thấy rằng nếu việc kiểm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập không nghiêm minh, thiếu chặt chẽ thì rất dễ bỏ sót. Khi phát hiện khối tài sản bất thường của cán bộ, quan chức, cơ quan xác minh cần quyết liệt làm rõ nguồn gốc hình thành.
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đâu là giải pháp căn cơ?
- Hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định để việc thực hiện đi vào thực chất hơn nữa, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của những cá nhân thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập.
Các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động để kịp thời phát hiện biến động tài sản bất thường. Song song đó, đẩy mạnh hơn nữa việc công khai bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn tại nơi cư trú. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nghĩa vụ kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; loại bỏ tình trạng nể nang, bao che; nâng cao trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, tài sản có dấu hiệu bất thường.
Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ kê khai không trung thực
Theo quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực và giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, những người vi phạm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách này.
Một số trường hợp cán bộ bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập:
- Đầu tháng 7-2023, ông Nguyễn Văn Đô, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, bị kỷ luật cảnh cáo do kê khai tài sản không trung thực.
- Năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nghiêm Viết Thành - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương - do kê khai không đầy đủ 2 thửa đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào các năm 2016, 2020 mang tên vợ chồng ông.
- Năm 2017, Thanh tra Chính phủ phát hiện ông Phạm Sỹ Quý, thời điểm đó giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, kê khai tài sản không trung thực khi giải trình khối tài sản lớn là "kết quả của quá trình bươn chải, làm đủ thứ nghề từ buôn chổi đót, lá chít...". Sau đó, ông Quý bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc sở.
Bình luận (0)