Cứ mỗi lần Đà Nẵng có cơn mưa lớn là nước thải chưa qua xử lý ào ào tuôn thẳng ra các bãi tắm biển du lịch Đà Nẵng - nơi được mệnh danh là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Biển một bên và... rác một bên
Nhiều du khách đến bãi tắm biển dọc đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa của TP Đà Nẵng phải ngao ngán bởi cảnh tượng nước đen ngòm tuôn ra biển, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nguyên nhân là do cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố tăng quá nhanh, đã gây áp lực lên môi trường ven biển, quá tải hệ thống xử lý nước thải.
Thu gom rác thải, làm sạch biển tại Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho rằng phát triển kinh tế nhanh luôn tạo áp lực lớn lên chất lượng môi trường. Bên cạnh mặt tích cực của tăng trưởng kinh tế, hệ lụy đến môi trường là khó tránh khỏi, hạ tầng kỹ thuật môi trường, cấp thoát nước, giao thông không chuẩn bị kịp.
Khu vực biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng là điểm nóng về rác thải diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của UBND xã Hải Dương, tại khu vực này chưa có phương tiện xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày nên lượng rác ngày càng tăng. Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân và thời gian gần đây, hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh", hoạt động này được đẩy mạnh hơn nhưng cũng không dọn nổi lượng rác thải quá lớn.
Trong khi đó, cách trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 70 km về phía Bắc, bãi biển Tân Phụng - Mũi Rồng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) được xem là "thiên đường" du lịch của tỉnh Bình Định đang bị bỏ quên nhiều năm qua, do chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện "thiên đường" du lịch này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi tình trạng rác thải. Dọc bờ biển dài hàng km xuất hiện đầy túi ni-lông, bao bì, vật dụng... chất thành đống, theo sóng biển trôi dạt khắp nơi. Không chỉ vậy, dọc bờ biển này, người dân còn bắt gặp đường ống nước thải xả thẳng từ nhà ra, bốc mùi hôi thối.
Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài hơn 130 km nhưng dọc theo bờ biển tỉnh này đang có nhiều vùng bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là những nơi có dân cư sinh sống và các bến cảng. Đặc biệt, tại huyện đảo Lý Sơn, mấy năm qua với lượng khách du lịch tăng chóng mặt đã gây tình trạng bờ biển quanh đảo bị ô nhiễm nặng.
Nhiều giải pháp căn cơ
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết trong những năm qua, địa phương đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ, làm sạch môi trường biển quanh đảo. Kết quả đã cải thiện được phần nào tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn chưa được triệt để. "UBND huyện Lý Sơn xem giải quyết ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong thời gian tới nhằm tạo một Lý Sơn xanh, sạch đẹp trong mắt du khách" - bà Hương nói.
Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), cho biết UBND xã dự tính thuê người dân và sử dụng xe tự chế để thu dọn lượng rác bên bờ biển. Sau đó hợp đồng với Hạt Giao thông công chính huyện Phù Mỹ - đơn vị đảm trách việc thu gom rác thải trên địa bàn huyện Phù Mỹ - đưa xe thu gom rác tới bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã Mỹ Phong để xử lý. Dự kiến, đầu tháng 8-2019, xã sẽ triển khai việc này.
Trong khi đó, sau khi đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm xã Hải Dương, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị xử lý môi trường tăng cường phương tiện vận chuyển, trước mắt phải có ngay điểm thu gom rác tập trung để người dân có điểm bỏ rác. Bên cạnh đó có giải pháp thu gom rác thường xuyên ở trong dân, tăng cường tần suất vận chuyển rác ra khỏi địa bàn, triển khai xã hội hóa hoạt động vệ sinh môi trường và đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường đối với người dân và khách du lịch.
Phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, trước mắt, phương án hạn chế ô nhiễm bãi biển là cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải tại đây. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đầu tư hoàn thiện hệ thống bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phù hợp đô thị hiện đại, thoát nước riêng và theo hướng đô thị sinh thái như tuần hoàn, tái sử dụng nước thải... Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với hệ thống công suất hơn 30 m3/ngày, khuyến khích xử lý nước thải đạt yêu cầu và tái sử dụng lại với mục đích phù hợp.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)