xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rong ruổi tìm mộ liệt sĩ

VĨNH GIA - ĐỨC NGHĨA

Với tâm nguyện sớm đưa các liệt sĩ về bên đồng đội, người thân, những năm qua, các tổ chức, cá nhân, nhất là cựu chiến binh không ngại khó khăn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Một mình trở lại nơi từng chiến đấu trên chiếc xe đạp thuê lại của người dân, ông rong ruổi khắp nơi, liên hệ cơ quan chức năng, tìm đến những đồng đội cũ nhờ phối hợp tìm kiếm mộ liệt sĩ. Đó là hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của cựu chiến binh (CCB) Vương Khả Khai (SN 1938, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Người lính già nặng lòng với đồng đội

Chúng tôi tìm về nhà ông Vương Khả Khai vào một ngày giữa tháng 7. Lần giở ký ức, người lính già nhớ lại ngày ông nhập ngũ vào năm 1960, ở Quân khu 4, tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào. Đến tháng 4-1965, ông và đồng đội tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng.

Sau ngày thống nhất đất nước, trở về quê hương sinh sống nhưng trong sâu thẳm ông chưa bao giờ quên những đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường xưa. Chính vì thế, 25 năm sau ngày giải phóng, ông quyết định đi tìm mộ của những đồng đội đã cùng chiến đấu năm xưa, trong đó có không ít người tự tay ông chôn cất. Năm 2000, ông trở lại chiến trường xưa ở Đà Nẵng để tìm mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến (quê xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Cảnh cũ, người xưa đã đổi thay, khiến công cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ càng trở nên khó khăn gấp bội phần.

Rong ruổi tìm mộ liệt sĩ - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Vương Khả Khai bên cuốn hồi ký và tấm hình kỷ niệm cùng đồng đội Ảnh: VĨNH GIA

Ông Vương Khả Khai kết nạp Đảng trong chiến trường; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang...

Trải qua nhiều khó khăn vất vả, với không ít lần tiến hành đào bới thất bại thì may mắn đã mỉm cười với ông và đoàn tìm kiếm. Phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến đã được tìm thấy tại khu vực ngã ba xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. "Khi đã xác nhận được đó đích thực là phần mộ Phạm Hùng Tiến, tôi đã bật khóc. Ngoài nhớ thương đồng đội, đây còn là những giọt nước mắt cho công lao và sự cố gắng của mình vì đồng đội đã được đáp đền" - ông Khai xúc động nói.

Trở về sau cuộc tìm kiếm thành công đó, với suy nghĩ và quyết định sẽ tiếp tục lên đường tìm kiếm đồng đội trước đó và được sự động viên, hỗ trợ của vợ, ông đã tìm đến nhà các liệt sĩ cùng đơn vị quê Hà Tĩnh, Nghệ An để phối hợp với gia đình đối chiếu thông tin, tiến hành tìm kiếm phần mộ. Đến nay, ngoài mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến, ông đã giúp thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm và cất bốc được 4 mộ liệt sĩ khác.

Nửa thế kỷ tìm bố

Năm 1966, anh Phùng Văn Môn (SN 1942) chia tay gia đình, tình nguyện lên đường tòng quân. Lúc đó, con trai duy nhất của anh là Phùng Văn Sỹ, chỉ mới lên 2 tuổi. Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về với nội dung: "Liệt sĩ Phùng Văn Môn, hy sinh ngày 2-2-1968 tại mặt trận phía Nam" và "thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo".

Thông tin về nơi hy sinh, an táng liệt sĩ Phùng Văn Môn lại không có. Quyết tâm tìm mộ bố, ông Phùng Văn Sỹ (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã đi nhiều nơi để tìm gặp các cựu binh Sư đoàn 320 hỏi nơi bố mình an nghỉ. Nhưng ai cũng lắc đầu. Đặc biệt, ông nhiều lần tìm đến nhà người ký giấy báo tử cho bố ở quê để hỏi dò nhưng do tuổi cao nên người này không còn nhớ.

Để tìm bố, ông Sỹ khăn gói vào tận Bình Dương, Đà Nẵng dù thông tin nắm được rất ít ỏi. Ông cũng xuôi ngược nơi rừng núi chiến trường xưa của bố và nhờ nhà ngoại cảm tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả.

Lúc tưởng chừng buông xuôi thì điều diệu kỳ đã xảy ra. Đó là vào tháng 7-2022, ông Sỹ theo chân đoàn cán bộ, cựu binh xã Duyên Hải đến viếng, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). Trước chuyến đi, ông mang theo giấy báo tử của bố bên người. Đến nghĩa trang, sau khi dâng hương ở đài tưởng niệm trung tâm, đoàn tìm đến khu mộ của các liệt sĩ quê tỉnh Thái Bình để thắp hương. Ông Sỹ cũng cầm nén hương, vừa đi vừa khấn "Bố sống khôn chết thiêng, xin đưa con vào tận mộ". Cứ thế, ông thành tâm đi và dừng chân trước một ngôi mộ tập thể của 112 liệt sĩ, Sư đoàn 320.

Tỉ mẩn đọc từng tên liệt sĩ in trên bia mộ, ông Sỹ bỗng khựng lại. Dòng tên "liệt sĩ Phùng Văn Môn" đập vào mắt. Chiếc mũ tai bèo ông cầm trên tay rơi xuống đất. Ông không tin vào mắt mình khi họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh khắc trên bia hoàn toàn trùng khớp với giấy báo tử của bố. Sau khi dò đi dò lại, ông Sỹ bất chợt òa lên khóc. Ông nói như hét lên: "Bố con nằm ở đây rồi", "cuối cùng con cũng tìm được bố". Thế là đằng đẵng nửa thế kỷ qua, cuối cùng con cũng tìm được cha, vợ đã biết được nơi an nghỉ của chồng. 

Bán trâu, bò làm lộ phí đi tìm mộ đồng đội

Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho hay CCB Vương Khả Khai là một hội viên rất nhiệt huyết và năng nổ, là người nặng ân tình với đồng đội. Để có kinh phí đi tìm mộ những đồng đội không may hy sinh nằm lại nơi chiến trường, ông đã phải bán trâu, bò, lúa, gạo làm lộ phí. Với hơn 10 năm đi tìm mộ đồng đội, ông Khai đã tự mình tìm được 5 mộ liệt sĩ. Ngoài ra, ông còn cung cấp thông tin cho người thân của 21 liệt sĩ khác nơi nằm lại của những đồng đội. Từ thông tin của ông cung cấp có rất nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được và quy tập các liệt sĩ về quê hương.

Kỳ tới: Mệnh lệnh từ trái tim

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo