Từ sau Tết nguyên đán đến nay, các loại nông sản như rau, củ quả ngắn ngày ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đột ngột giảm giá mạnh. Khắp các địa phương là những cánh đồng rau bị bỏ mặc, nông dân không màng thu hoạch.
Tại xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều vườn rau xà lách, củ cải, dưa leo, đậu cô ve… bị bỏ mặc cho già cỗi, trổ bông trắng đồng. Một số hộ nông dân còn đem cuốc, xẻng ra cào về cho bò, cho heo ăn. "Giá rau xà lách hiện nay chỉ 1.000 đồng/kg, còn củ cải, đậu cô ve, dưa leo khoảng 2.000-3.000 đồng/kg… Đã vậy, thương lái đến mua còn chê lên chê xuống. Muốn bán cũng không bán được nên chúng tôi đành phá bỏ, đem về cho heo, bò ăn" - ông Trần Văn Năm (ngụ xã Tịnh Long) chua xót.
Ở các vùng chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi) cũng chung cảnh ngộ. Gia đình ông Nguyễn Trung (ngụ xã Nghĩa Dũng) canh tác 2 sào đậu cô ve, đến kỳ thu hoạch bán Tết, giá rớt thê thảm nên bỏ hoang ngoài đồng. Công sức, vốn liếng đầu tư để mong có thu nhập ngày Tết của gia đình ông coi như bằng không.
Do giá đậu cô ve sụt giảm, không có thương lái thu mua nên nhiều nông dân đổ cho bò ănẢnh: Tử Trực
Suốt tuần lễ từ sau Tết nguyên đán đến nay, các cánh đồng rau sạch ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vắng tanh người lui tới. Ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, thông tin toàn xã có trên 600 hộ dân trồng rau sạch với diện tích hơn 31 ha, đang rơi vào cảnh khó khăn do rớt giá, khó tiêu thụ.
Tại làng rau quả Bàu Tròn ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nông dân cũng rơi vào cảnh điêu đứng. Theo Ban Nông nghiệp xã Đại An, HTX Rau quả Bàu Tròn có gần 100 hộ dân chuyên canh rau quả trên diện tích hơn 47 ha, Trong 3 năm trở lại đây, điệp khúc "được mùa mất giá" liên tục xảy đến khiến người dân lâm cảnh khốn đốn, nợ nần. Mấy ngày qua, một số hộ trong HTX nhổ bỏ rau, củ, mang ra sông đổ.
Ông Đỗ Văn Đông, Trưởng Ban Nông nghiệp xã Đại An, cho rằng nguyên nhân khiến giá rau thu mua tại địa phương xuống mức thấp kỷ lục là do từ trước Tết nguyên đán, người dân tăng diện tích trồng quá nhiều. Ở các xã khác như Đại Cường, Đại Hòa của huyện Đại Lộc, người dân cũng đang lao đao vì cách làm phong trào này.
Theo ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An, để thoát tình cảnh như hiện nay thì nhà nước cần phải ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các vùng chuyên canh trồng rau, hỗ trợ nông dân sản xuất bài bản và có khoa học. Khi đó, sản phẩm làm ra sẽ đạt chuẩn an toàn và được bao tiêu hoàn toàn, người dân không phải lo lắng đến chuyện giá cả như hiện nay.
Bình luận (0)