Chiều 10-5, tại UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có buổi làm việc với tỉnh này và nhà đầu tư Trạm thu phí BOT Ninh Lộc là Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa họp bàn các giải pháp giải quyết ách tắc liên tục xảy ra ở trạm BOT này.
Mở rộng diện miễn giảm để đồng thuận
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, xác nhận ách tắc thường xuyên xảy ra kể từ ngày 1-5 buộc Trạm thu phí BOT Ninh Lộc phải liên tục xả trạm. "Người dân bức xúc cho rằng nhà đầu tư đã thỏa thuận miễn giảm cho 20 xã, phường lân cận của thị xã Ninh Hòa, nơi có trạm BOT này đặt. Nhưng đến ngày 1-5, khi nhà đầu tư công bố kết luận của Bộ GTVT không đồng ý miễn giảm như thỏa thuận thì người dân phản đối" - ông Dần nói.
Trạm BOT Ninh Lộc phải xả trạm do dân phản đối trong ngày 4-5
Để tạo thuận lợi cho người dân địa phương, ông Dần đề nghị Bộ GTVT chấp thuận miễn, giảm theo phương án mà nhà đầu tư đã thỏa thuận với người dân, miễn phí cho xe loại 1 và giảm 40% cho tất cả xe từ loại 2 ở 20 xã, phường lân cận. Đồng thời, mở rộng việc giảm phí 40% cho tất cả loại xe đối với 7 xã, phường còn lại của thị xã Ninh Hòa. Đại diện Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho rằng chủ đầu tư muốn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi qua lại trạm nên đã thỏa thuận với người dân và chủ động miễn giảm phí theo sự thỏa thuận đó trước khi Bộ GTVT cho phép. Việc Bộ GTVT sau đó không đồng ý đã đưa nhà đầu tư vào tình thế khó nên mong muốn được Bộ GTVT cho phép mở rộng diện miễn, giảm phí.
Trước những yêu cầu này, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, đã đồng ý cho thực hiện việc miễn giảm phí qua Trạm BOT Ninh Lộc theo một phần thỏa thuận của nhà đầu tư với người dân. Riêng đề nghị mở rộng miễn giảm cho 7 xã - phường còn lại, ông Thọ cho rằng địa phương cần phải xác minh, lập danh sách cụ thể số lượng phương tiện để Bộ GTVT xem xét. "Chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng cũng phải cân đối phương án tài chính cho nhà đầu tư" - ông Thọ cho hay.
Trước sự thống nhất này của Bộ GTVT, ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa, cho rằng trước đây chủ đầu tư đề nghị trả lại BOT Ninh Lộc vì vào thế buộc phải làm. Tuy nhiên, nay Bộ GTVT thống nhất theo phương án này, đã "cởi trói" cho nhà đầu tư, không phải trả trạm.
Xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng gây rối
Ông Tự cũng cho rằng trong những ngày qua đã có nhiều người lợi dụng sự bức xúc của người dân, cố tình gây rối, đập phá, rượt đánh nhân viên trạm. Hành vi đó đã đủ cơ sở cấu thành tội phạm. "Phải xử lý nghiêm các đối tượng này tránh lan ra các đối tượng khác. Chúng tôi đã có hình ảnh, clip, tài liệu cung cấp cho công an, đề nghị xử lý" - ông Tự nói.
Ông Thọ đề nghị tỉnh chỉ đạo bảo đảm tốt an ninh trật tự ở khu vực, với những trường hợp vừa rồi phải xử lý nghiêm theo pháp luật, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố.
Ý kiến này được sự đồng thuận của ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. "Tôi đề nghị chủ đầu tư cho hạ camera xuống để quay rõ biển số xe và tài xế cố tình chạy qua chạy lại nhiều lần trong ngày để có hướng xử lý. Quay rõ mặt người để chủ xe khỏi nói cho mượn xe" - ông Thiên nói.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GTVT sớm áp dụng thu phí tự động tại Trạm thu phí Ninh Lộc. Ông Lê Đình Thọ cho hay việc này trong lộ trình mà Bộ GTVT triển khai. "Chúng tôi đang gấp rút cuối năm nay hoàn thiện việc lắp đặt và đưa vào sử dụng thu phí tự động, không dừng" - ông Thọ nói.
Không hỏi ý kiến dân, bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 70 km
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30-12-2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Theo đó, vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu giá, bảo đảm khả năng hoàn vốn của dự án BOT…
Tiếp thu ý kiến tham gia của các đơn vị, dự thảo lần 2 quy định rõ việc lấy ý kiến thống nhất của cơ quan địa phương được thực hiện ngay từ bước lập dự án. Bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương do đã lấy ý kiến của HĐND và của Hiệp hội Vận tải ô tô.
Dự thảo lần 2 cũng bỏ quy định "khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải bảo đảm cự ly tối thiểu là 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ".
Bình luận về việc không quy định việc hỏi ý kiến người dân, bỏ khoảng cách tối thiểu của trạm BOT, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quan trọng nhất là việc đầu tư các dự án BOT thời gian tới phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật - đó là phải đầu tư dự án mới hoàn toàn và áp dụng thu phí kín (tính phí theo km), không được làm theo kiểu cải tạo nâng cấp đường độc đạo rồi lập trạm BOT bắt dân đóng phí. "Nếu làm được vậy, chẳng ai phản đối cả. Còn việc lấy ý kiến quá nhiều vừa kéo dài thời gian thực hiện dự án, tốn kém kinh phí. Chúng ta cũng không nên dân chủ hình thức" - ông Thanh bày tỏ.
V.DUẨN
Bình luận (0)