Hai đề xuất trên là những nội dung quan trọng trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được xem xét, thảo luận tại Quốc hội. Bộ Nội vụ cũng như Bộ Tài chính viện dẫn nhiều quy định, lý do để "nói không" với đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cho học sinh THCS trong dự thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chấp bút soạn thảo. Tựu trung, 2 cơ quan quản lý nhà nước này cho rằng lương và phụ cấp của giáo viên hiện đã ở mức cao, tỏ ý lo ngại nguy cơ phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề... Với việc miễn học phí tới học sinh THCS là không phù hợp vì tới năm 2020 mới thực hiện giáo dục bắt buộc và làm tăng chi ngân sách trong khi ngân sách còn nhiều khó khăn.
Đúng là không dễ để thực hiện miễn học phí tới hết bậc THCS và tăng lương cho giáo viên vào lúc này bởi chế độ lương và phụ cấp hiện nay đã thể hiện sự ưu đãi đặc biệt của nhà nước đối với nhà giáo, nhất là khi ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn. Hiện chi cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 8,3% GDP, thuộc vào những nước cao của thế giới, trong đó, chi từ ngân sách là 5% (60% tổng chi) và từ đóng góp của người dân là 3,3% (40% tổng chi). Nếu thực hiện tăng lương giáo viên và miễn học phí tới bậc THCS sẽ khiến ngân sách phải chi thêm thêm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, nếu không tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS thì có thể dẫn tới những hệ lụy lớn hơn nhiều trong tương lai bởi giáo dục là động lực lớn bậc nhất cho sự phát triển của đất nước. Hiện số người tốt nghiệp THCS mới chỉ khoảng trên 30% tổng số người từ 15 tuổi trở lên, hay nói cách khác vẫn còn nhiều người chưa học hết bậc THCS. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cấp học THCS chưa thực hiện miễn học phí, do đó một bộ phận người dân nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương chưa được đi học đến cấp THCS.
Thời gian qua, dư luận cả nước cũng đã đồng cảm và chia sẻ câu chuyện của nữ giáo viên mầm non khi nhận quyết định nghỉ hưu đã bật khóc khi thấy lương hưu sau mấy chục năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người chỉ là 1,3 triệu đồng, không thể bảo đảm mức sống tối thiểu. Thu nhập nhà giáo thấp so với mặt bằng chung của xã hội là một nguyên nhân quan trọng các trường sư phạm khó thu hút thí sinh, dẫn tới thực tế điểm chuẩn rất thấp. Điểm chuẩn nhiều trường đại học sư phạm chỉ ở mức điểm sàn, trong khi chỉ cần 3 điểm mỗi môn là có thể vào trường cao đẳng. Chất lượng đầu vào như vậy thì làm sao có những thầy cô giỏi dạy dỗ học trò sau này.
Giáo dục là quốc sách. Điều này càng đúng khi bước vào thời đại công nghiệp 4.0. Làm sao có nền công nghiệp 4.0 nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp? Muốn có chất lượng nguồn nhận lực đáp ứng nền công nghiệp 4.0 thì phải có người thầy - máy cái chất lượng cao và mặt bằng giáo dục chất lượng cao. Bởi thế, không đồng tình nâng lương giáo viên và miễn học phí hết bậc THCS không chỉ "bác" chính sách nhân văn và cả kế sách lâu dài cho sự phát triển và thịnh vượng.
Bình luận (0)