Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Thuế tài sản, song Bộ Tài chính chưa hề giải thích vì sao lại đề xuất đánh thuế nhà trị giá trên 700 triệu đồng. Thế nên, chưa rõ Bộ Tài chính dựa trên cơ sở nào để đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá trên 700 triệu đồng, tuy nhiên dù trên cơ sở nào thì cũng có thể thấy đề xuất trên là không có lý. Đánh thuế nhà, sao không đánh thuế từ căn thứ hai trở đi mà đánh ngay vào căn nhà duy nhất để ở của người dân? Đánh thuế nhà sao không căn cứ trên diện tích nhà ở tính theo đầu người mà dựa trên giá trị tuyệt đối bằng tiền?
Với thực tế nhiều thành phố, đô thị của nước ta hiện nay, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, hầu hết nhà ở của người dân đều có thể bị đánh thuế nếu đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận. Hầu hết nhà ở tại Hà Nội và TP HCM cùng nhiều đô thị khác bị đánh thuế có nghĩa là có thể có hàng triệu lao động, người thu nhập thấp ở trong các căn nhà chật hẹp, thậm chí tồi tàn, có khả năng phải nai lưng cõng thêm một sắc thuế mới trong khi đang vật lộn với miếng cơm, manh áo hằng ngày.
Đề xuất đánh thuế nhà được đưa ra khi đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu cũng của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận và người dân. Lý do tăng thuế xăng dầu lên "kịch khung" để bảo vệ môi trường đã tỏ ra không thuyết phục. Không ít chuyên gia kinh tế đã chỉ thẳng ra rằng đánh thuế môi trường kịch khung với xăng dầu chỉ là nhằm tăng ngân sách.
Đề xuất đánh thuế nhà giá trị trên 700 triệu đồng là gì, nếu cũng không phải để tăng thu cho ngân sách? Bộ Tài chính khi đề xuất đánh thuế nhà ở đã cho biết đề xuất này nếu được thông qua sẽ giúp ngân sách có thêm từ 22.700 đến 31.000 tỉ đồng/năm - một con số rất lớn.
Đề xuất đánh thuế môi trường kịch khung với xăng dầu rồi thuế nhà ở, ô tô… được đưa ra khi mục tiêu cân bằng ngân sách quốc gia dù đặt ra từ lâu, song chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Mỗi năm, ngân sách lại bội chi một khoản lớn, càng lớn hơn nếu cộng dồn nhiều năm lại.
Vì sao ngân sách liên tục bội chi, nợ công gia tăng? Trong những nguyên nhân dẫn tới bội chi có tỉ lệ bao nhiêu % do đầu tư công không hiệu quả, lãng phí, thất thoát, bộ máy hành chính công nặng nề…? Dù chưa có số liệu chính xác nhưng có thể thấy đó là con số không hề nhỏ nếu nhìn vào những công trình, dự án lớn "trùm mền, đắp chiếu", đội vốn cùng các "đại án" tham nhũng bị phanh phui thời gian qua.
Để ngân sách thâm thủng bởi các lỗ hổng trên hoàn toàn không phải do người dân. Song người dân lại phải có phần đóng góp để giải quyết hậu quả đó bằng rất nhiều thứ thuế phí, như từng có thống kê mỗi con gà, hạt thóc "cõng" tới hàng chục loại thuế, phí.
Thuế, phí càng nặng gánh, càng khiến người ta đi chậm hơn. Sao cứ muốn vắt chứ không phải khoan sức dân để tính kế sách vững bền dưỡng nguồn thu?
Bình luận (0)