Sáng 26-6, từ cảng Vạn Giã, chúng tôi theo một tàu thu mua ra khu vực bè nuôi tôm hùm ở Bãi Me (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) để ghi nhận tình hình thu mua tôm hùm xuất khẩu sau loạt bài "Côn đồ lộng hành ở vịnh Vân Phong"… Theo quan sát, tình trạng những ca-nô, tàu gỗ chạy "vòng vòng" quanh các bè vẫn còn nhưng nhóm người này đã nói năng "nhẹ nhàng" hơn.
Chỉ bán cho chủ vựa thu mua
Tàu chúng tôi cập vào một bè nuôi tôm giữa lúc các ngư dân hối hả đến các ô lồng kéo tôm bỏ vào các thau lớn để cân tôm. Chủ vựa thu mua tôm và nhiều người đi cùng thì chuẩn bị lồng, sục khí và dùng những chiếc cân để phân loại tôm hùm. Những con tôm trên 0,9 kg là những con tôm đạt chuẩn để xuất khẩu sẽ được đưa vào bể sục. Những con tôm dạt vì yếu, không đủ chuẩn thì để riêng.
Trong lúc công việc đang diễn ra, một ca-nô mang tên Sơn Nam 02 cập vào bè và có 2 người đàn ông bước lên bè. Ít phút sau, 2 tàu gỗ khác có chở theo các thùng lớn cũng chạy đến bè này, một số người trong đó có vài người xăm trổ lên bè để chờ bắt tôm. Khi chủ bè lựa xong mẻ tôm đầu tiên, một người từ ca-nô Sơn Nam liền sấn đến, định lấy lồng tôm đi. Thấy vậy, chủ vựa thu mua lên tiếng cản lại. Chủ vựa này phân trần là người bỏ tiền mua giống tôm cho chủ bè nên sẽ mua tôm xuất và cả tôm dạt. Một người tên T. nhóm ca-nô thấy vậy liền hỏi chủ bè về giá tôm dạt và đề nghị mua một nửa số tôm dạt với giá cao. Tuy nhiên, chủ bè từ chối vì đang nợ tiền giống của chủ vựa nên chỉ bán cho chủ vựa. T. liền gọi điện thoại cho một ai đó để thông báo tình hình. Sau đó, nhóm người này tiếp tục ngồi chờ tới gần trưa, đến khi chủ vựa bắt tôm xong.
Khi tàu thu mua tiếp tục đi qua bè khác, nhóm người vẫn bám theo để gặng mua tôm. Tuy nhiên, chủ bè này cũng từ chối bán. Đến trưa, sau khi hoàn tất việc mua tôm, tàu thu mua di chuyển về hướng cảng Vạn Giã, chiếc ca-nô mới rời đi.
Tại khu vực vịnh Vân Phong, nhiều ca-nô, tàu gỗ được cho của nhóm Nguyễn Bá L. (Giám đốc Công ty CP Sơn Nam) vẫn còn cập các bè nuôi để mua tôm nhưng những người trên các tàu này không còn hùng hổ như trước. Nhóm này ghé bè, tàu mua để hỏi mua nhưng một số tàu không bán thì họ rời đi. Những người mua tôm, chủ bè ở đây cho biết mua bán tôm là tự nguyện, thuận mua vừa bán, biết trước biết sau, không ai chấp nhận việc "ép buộc", "dọa nạt", "đánh người".
Nhóm người đi ca-nô Sơn Nam biển kiểm soát KH0796 dù không được chủ bè đồng ý bán tôm vẫn ngồi chờ trên bè gần 4 giờ
Công an tỉnh vào cuộc
Ông Phan Xuân Reo (ngụ xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), chủ bè nuôi tôm ở Bãi Lớn thuộc thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh và là người đứng đơn tố cáo hành vi đánh người của Nguyễn Bá L., cho biết chiều 27-6, ông đã làm việc với lực lượng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Khánh Hòa tại trụ sở Công an huyện Vạn Ninh.
Đơn vị này cũng đưa cho ông Reo thông báo tiếp nhận tố giác tội phạm, thông báo này cũng được gửi VKSND tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh ông Reo, Công an tỉnh cũng mời thêm 2 người chứng kiến vụ việc Nguyễn Bá L. có hành vi chửi bới, đánh vào mặt ông Reo. "Công an huyện trước đó có hỏi tôi về tiền bồi thường. Tôi nói chi phí khám bệnh chỉ 5 triệu đồng nhưng tôi có đơn không phải vì tiền bồi thường mà vì hành vi ngang ngược, coi thường pháp luật, nhất là các đối tượng xã hội đen hoạt động mua bán trá hình. Họ ngang nhiên ức hiếp ngư dân lương thiện, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác, tự đặt cho mình quyền kiểm soát, hành hung những ai trái ý họ" - ông Reo cho biết.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng một nhóm người thường xuyên sử dụng ca-nô, tàu gỗ quần thảo khắp các vùng nuôi tôm ở vịnh Vân Phong thu mua tôm theo kiểu dọa nạt, đánh ngư dân, khiến cuộc sống vùng vịnh vốn yên bình này bị bất an. Điển hình là vụ ông Phan Xuân Reo bị hành hung vì không bán tôm cho nhóm người này; ngư dân Nguyễn Lý cũng đã có đơn gửi Công an xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh vì hành vi đánh người của nhóm này nhưng chưa được xử lý.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, lực lượng biên phòng đang tiếp tục tuần tra, xử lý thêm nhiều trường hợp vi phạm quy định pháp luật liên quan đến vụ việc mà Báo Người Lao Động đã phản ánh. Ngư dân nếu gặp bất cứ phiền toái thì mạnh dạn phản ánh, báo cáo trực tiếp lên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa để được bảo vệ.
Đồn Biên phòng Đầm Môn thời gian qua cũng đã xử lý 6 tàu, ca-nô vi phạm quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng sai mục đích, không đủ điều kiện hoạt động. Đồn này cho biết sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Đồn Biên phòng Đầm Môn xử lý dứt điểm tình trạng thu mua hải sản không lành mạnh nhằm ổn định trật tự địa bàn.
Bình luận (0)