Tại Việt Nam, đến đợt dịch thứ 4, Covid-19 cũng đã cướp đi mạng sống của trên 23.000 người trong số hơn 1 triệu người mắc bệnh ở khắp đất nước, vượt xa trí tưởng tượng của nhiều người. Đó là chưa kể tình trạng nhiều người bị sang chấn tâm lý do mắc bệnh và lo âu kéo dài, được xem là nỗi đau vô hình không thể đo lường hết.
Chông chênh con người sinh học
Ai cũng biết con người, do đặc điểm xã hội của nó, dù sinh ra ở đâu cũng đều được coi là tài sản quý giá nhất. Nhưng ở đây, giữa đại dịch này, ta mới thấy phận người quá đỗi mỏng manh trước quy luật vô thường. Người ta có thể vừa gặp nhau đó, bắt tay hoan hỷ đó rồi lại bất ngờ chia tay vĩnh viễn, có khi không được gặp mặt nhau để nói lời yêu thương hay gửi gắm điều tâm huyết. Con người "sinh học" quả là chông chênh.
Cuộc sống trần gian, theo cảm nhận chung là ngắn ngủi. Nó có thể càng bị rút ngắn hơn nhiều bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tội ác và những tai ương bất ngờ khác. Thế nên, đời sống dù chỉ bằng giờ phút thôi cũng đáng quý và cần được trân trọng. Từ lâu, một số nhà tư tưởng và đạo đức đã cho rằng về bản chất, con người sống trên đời là để yêu thương nhau, để truyền năng lượng sống tươi trẻ, tích cực cho nhau, và để có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Trong đó, như nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl (1905-1997) nhìn thấy: "Con người là một bản thể phong phú, có khả năng làm được điều gì đó lớn hơn là chỉ đấu tranh sinh tồn. Họ tìm ra ý nghĩa trong đời"...
Cơn "đại cuồng phong" một mặt gieo đau thương vô kể cho hàng vạn gia đình và gây thiệt hại to lớn đối với xã hội; nhưng mặt khác, từ đại dịch, nó cũng soi rõ hơn tinh thần tương thân tương trợ, kiên cường vượt khó trong hoạn nạn. Thêm nữa, biến cố còn tác động làm thay đổi phần nào lối sống của nhiều người, theo hướng tốt lên. Đó là ý thức kỷ luật (trong việc tuân thủ các quy định), thói quen sinh hoạt lành mạnh, biết chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng, là thái độ không lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, sợ hãi lúc hữu sự.
Hình thành lối sống tương thích
Thời gian nặng nề trôi qua. Nỗi sợ dịch bệnh chết người âm thầm xuất hiện, len lỏi, lây lan cùng những lo toan, chống đỡ khác trong đời sống là cảm giác có thật và khá phổ biến. Góp phần xoa dịu phần nào tâm trạng này, đầu tháng 11-2021, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình "TP HCM - Sức sống trẻ an toàn vượt qua đại dịch Covid-19" và hướng dẫn thực hiện bài tập "vượt qua nỗi sợ nCoV" trong giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh và gần đây là Omicron, cuộc chiến chống Covid-19 đang bước sang giai đoạn mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu "diệt sạch SARS-CoV-2", nhiều nước đã phải thay đổi chiến lược, tìm cách chuyển sang sống chung an toàn với virus, thích ứng theo tinh thần không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có sự lựa chọn biện pháp tốt hơn để phòng chống dịch. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Khẳng định đại dịch còn kéo dài và phức tạp cũng có nghĩa là đối mặt với đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và tư duy cho phù hợp với hiện thực mới, từ đó hình thành lối sống tương thích trong xã hội hiện đại.
Ngày 11-10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Quy định mới mở ra cơ hội phòng chống dịch nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc tổ chức thực hiện. Từ nhận thức dịch có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc nên việc thực hiện các nội dung quy định tạm thời phải tuân thủ nghiêm phương châm: "5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ và tích cực tuyên truyền, vận động, đề cao ý thức của nhân dân.
Tự tin, không sợ hãi
Theo tinh thần này, lối sống chúng ta cần xây dựng, đúng hơn là hiện thực "bình thường mới" đòi hỏi, là nhằm hướng đến: Thay đổi các thói quen để thích ứng với hoàn cảnh mới; ý thức tuân thủ các quy định pháp luật; sống lạc quan, trách nhiệm và có niềm tin; ứng xử văn minh nơi công cộng. Trong đó, đặc biệt chú trọng lối sống đoàn kết giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn, xem đây là một trong những mối quan hệ chủ đạo của cuộc sống hiện đại ngày nay. Nói là chủ đạo bởi lẽ nó luôn xuất hiện nổi bật mỗi khi đất nước có chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh... Và cũng từ xa xưa, sự đoàn kết giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn là lối sống mang tính bản chất, căn cốt làm nên dáng vóc và sức mạnh của người Việt. Hy vọng lối sống đầy tình người này cũng tỏa sáng mạnh mẽ trong điều kiện đất nước hòa bình và phát triển ngày nay.
Lối sống chứa đựng lòng tử tế luôn có sức mạnh thuyết phục và lay động lòng người. "Không hành động tử tế nào sẽ dừng lại chỉ với chính nó. Một hành động tốt đẹp dẫn tới một hành động khác. Những tấm gương được noi theo. Một hành động tử tế đơn giản vươn rễ về mọi hướng và rễ vươn lên mọc thành cây cối. Điều vĩ đại nhất mà lòng tốt làm được cho người khác là khiến chính họ cũng trở nên tốt đẹp." (Amelia Earhart). Lòng tốt, hãy hiểu đơn giản là mọi thứ làm người khác ấm lòng. Nó ngược với thực tế rằng xã hội chúng ta đang chứng kiến sự thờ ơ của không ít người tốt và xem ra điều đó còn đáng sợ hơn những thứ xấu xí, xa lạ đối với cuộc sống.
Một khi đã xác định "sống chung với virus", xem SARS-CoV-2 là một phần của cuộc sống, người ta cũng đồng thời chủ động chuẩn bị tốt sự tự tin, trách nhiệm và không sợ hãi như một cách thể hiện tâm thế mới.
Bình luận (0)