Chiều 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết mới của QH thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết này để tạo động lực cho TP HCM bứt phá trong thời gian tới về mọi mặt.
Giữ vững vị thế đầu tàu phát triển
Tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết mới, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).
Theo dự thảo, TP HCM được tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TP HCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, ĐB Mai cho rằng quy định như trên là chưa đủ.
"HFIC có vai trò cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong khi đó, nhu cầu thuộc lĩnh vực thuộc ưu tiên lớn, chẳng hạn phát triển đường sắt đô thị, nên cần cơ chế tài chính, nguồn tài chính đặc thù cho HFIC như phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng thời, ưu tiên đầu tư một số công trình, dự án cụ thể như đường sắt đô thị để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay" - ông Mai kiến nghị.
Đề cập vấn đề nguồn lực ngân sách TP HCM được giữ lại hằng năm khá thấp, dẫn đến không đủ duy trì và mở rộng đầu tư, ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng việc TP được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) là cấp bách để tạo động lực phát triển kinh tế và hệ thống giao thông đường sắt đô thị. Theo ông Phương, nếu triển khai được mô hình TOD dọc các tuyến đường sắt đô thị và TOD xung quanh các nhà ga thì sẽ thay đổi được toàn bộ cấu trúc đô thị, đặc điểm đi lại theo hướng thân thiện môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn lực tài chính thông qua việc khai thác quỹ đất.
Dù đồng tình với các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo nghị quyết để TP HCM thực hiện được mục tiêu đầu tàu phát triển, song ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần thêm các cơ chế mang tính đột phá, dẫn dắt, vượt trội, sao cho thực sự khác biệt với các cơ chế, chính sách đã áp dụng ở địa phương khác. Với cơ chế áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu, theo ĐB Hòa, nếu chỉ làm trên quy mô hiện tại mà không mở rộng thì không hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến những vướng mắc trong thực hiện các dự án BOT thời gian qua để TP HCM xây dựng cơ chế hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) góp ý về dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017Ảnh: Minh Phúc
Thời điểm "cả nước vì TP HCM"
Cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP HCM là nội dung được ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề xuất khi góp ý về dự thảo nghị quyết mới.
Theo ông Đồng, nội dung này đã được đề cập trong dự thảo nhưng chưa rõ ràng. ĐB này nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cho TP HCM không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác, như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, quản lý dân cư trên địa bàn…
Để phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của TP HCM, ĐB Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, đề nghị xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, phân quyền cho HĐND TP HCM ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP HCM và cấp huyện, quận, TP trực thuộc.
"Việc phân quyền cho TP HCM quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu: tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý, giúp TP có thể áp dụng các giải pháp mới và thử nghiệm những mô hình quản lý phù hợp với điều kiện, tình hình mới" - ĐB Thủy nhìn nhận.
Tán thành các cơ chế, chính sách cho TP HCM như đề xuất của Chính phủ, ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh đây là thời điểm "cả nước vì TP HCM". Về quan điểm xây dựng các cơ chế đặc thù, ông Sơn cho rằng phải thực sự nổi trội, khả thi cao, để "TP HCM đi trước, về trước". ĐB đoàn Bến Tre băn khoăn thời gian thực hiện nghị quyết này trong 5 năm là ngắn trong bối cảnh quy hoạch TP HCM, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành vẫn chưa hoàn thiện.
"Cần kéo dài chính sách đến năm 2030 để bảo đảm hiệu quả, cũng như phù hợp với thời kỳ quy hoạch quốc gia là 2021 - 2030" - ĐB Nguyễn Trúc Sơn đề nghị.
Cùng băn khoăn, ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh cần tính toán thời gian thực hiện nghị quyết này từ kinh nghiệm đã triển khai Nghị quyết 54 trước đó. "Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây quy định là 5 năm. Với thời gian như vậy, có một số nội dung chưa đạt được. Cần nghiên cứu thời gian thực hiện nghị quyết mới đến năm 2030" - ông Đồng đề xuất.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc ban hành nghị quyết mới như các ĐB nêu là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay để giúp TP HCM có cơ sở phát triển mạnh, nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới đây, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh và cho cả nước. Bộ trưởng cho biết 44 cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết mới xoay quanh 3 vấn đề: Khơi thông và huy động nguồn lực; phân cấp, phân quyền và cho phép TP HCM được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi, giảm thời gian.
Về đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện nghị quyết mới đến năm 2030 của một số ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét "đây là ý rất hay". "Chúng tôi sẽ cùng với TP HCM, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nghiên cứu, nếu phù hợp và không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan khác thì sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ QH và QH để tiếp thu ý kiến này" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Theo chương trình kỳ họp, hôm nay, 9-6, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Bổ sung cơ chế hợp tác công tư cho y tế
Cho rằng dự thảo nghị quyết mới còn thiếu vắng các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị phân quyền cho TP HCM được ban hành các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây thêm các bệnh viện về ung bướu, tim mạch trên địa bàn. ĐB Thu cũng đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế và không áp dụng hạn mức.
ĐB Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông:
Cơ chế đặc biệt để TP HCM là đầu tàu đa chức năng
TP HCM là đô thị đặc biệt. Với vị trí và tính chất như vậy, TP HCM không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt để thực sự là đầu tàu đa chức năng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm những vấn đề mới trong thực tiễn.
Với nghị quyết lần này, khi QH thông qua, tôi tin tưởng TP HCM sẽ sớm hiện thực hóa một cách hiệu quả, sinh động chủ trương của Đảng, QH vào thực tiễn cuộc sống, để thành phố mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Bình Dương:
Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách phù hợp theo các năm
Để bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện các chính sách, cần bổ sung quy định giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho TP HCM đến năm 2025, tiếp tục tăng phù hợp cho các năm tiếp theo như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề cập.
Việc thu hút vốn không chỉ là nhiệm vụ riêng của TP HCM mà còn do các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng đứng ra huy động. Do đó, cần có chính sách ưu đãi mạnh mẽ giúp TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế để các doanh nghiệp, các định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ ngay đến hợp tác với TP.
Bình luận (0)